Dự án sách trăm tỷ lộ nhiều vi phạm

TP - Nhà xuất bản Hà Nội được giao thực hiện dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” với số vốn gần 120 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được giải ngân từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều đầu sách chưa được in, nhiều cuốn sách in ngoài số lượng bán ra thị trường, không thực hiện kiểm toán theo đúng quy định.  

Phục vụ cho Đại lễ “1000 năm Thăng Long - Hà Nội”, năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã giao Nhà xuất bản (NXB) Hà Nội triển khai dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” (gọi tắt là dự án Tủ sách) với tổng kinh phí gần 120 tỷ đồng. Trong đó, vốn được giải ngân thực hiện giai đoạn 1 là 60 tỷ  952 triệu đồng (giải ngân xong từ năm 2011). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cán bộ công nhân viên NXB Hà Nội, kinh phí đã được giải ngân từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều đầu sách giai đoạn 1 chưa được xuất bản theo đúng hợp đồng.

Ví dụ như cuốn “Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội” in năm 2016, trong khi theo tiến độ phải xuất bản năm 2011. Dự án Tủ sách được in bằng tiền ngân sách, thuộc danh mục sách Nhà nước đặt hàng không được bán, không được ghi giá. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1, ngoài số lượng 1.000 cuốn/đầu sách, NXB Hà Nội đã in vượt số lượng nhiều cuốn sách, in giá trên bìa để bán ra thị trường như cuốn Khâm định An Nam kỷ lược, Di sản văn chương Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nghệ thuật múa Hà Nội, Địa chí Hà Tây…

Dự án sách trăm tỷ lộ nhiều vi phạm ảnh 1

Cuốn sách “Khâm định An Nam kỷ lược” được NXB Hà Nội in thành 2 phiên bản in giá và không in giá.

Trong văn bản trả lời báo Tiền Phong, ông Phạm Quốc Tuấn - Chánh văn phòng Dự án xác nhận có một số cuốn sách giai đoạn 1 dự án (2006 - 2011) chưa được xuất bản đúng tiến độ với lý do: “Ở giai đoạn I, một số ít đầu sách triển khai và hoàn thành việc biên soạn muộn nên việc triển khai các công đoạn tiếp theo của quy trình xuất bản bị chậm. Kinh phí cho việc phát hành được tính đơn giá theo khối lượng lớn vì chi phí vận chuyển, phát hành được tính lũy thoái (giảm), tỷ lệ nghịch với khối lượng hàng. Nếu phát hành lẻ từng cuốn, chi phí vận chuyển, phát hành sẽ rất cao…”.

NXB Hà Nội thừa nhận việc in thêm một số cuốn sách, trên sách có in giá bán sau khi hoàn thành việc in ấn 1.000 cuốn/đầu sách. Đại diện NXB Hà Nội lý giải việc in thêm không vi phạm Luật Xuất bản, việc in và phát hành chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội cho các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, soạn thảo dễ dàng tìm mua sưu tầm.

“Mỗi tác giả, hoặc tập thể tác giả chỉ được hưởng 10 cuốn sách bản quyền tác giả. Có nhiều đầu sách do nhóm tác giả tham gia biên soạn và các cộng tác viên tham gia tổ chức bản thảo đông, do vậy, 10 cuốn được nhận không đủ để cấp cho mỗi người tham gia biên soạn 1 cuốn. Trước thực tế đó, ngoài số sách in bằng nguồn kinh phí ngân sách cấp, NXB Hà Nội in thêm từ 50 đến 100 cuốn một số đầu sách tùy nhu cầu đặt mua.…”, văn bản của NXB Hà Nội cho biết. Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội không có mục nào đồng ý cho in ngoài số lượng sách đặt hàng.

Dự án Tủ sách giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 60 tỷ 952 triệu đồng là dự án nhóm B, thuộc trường hợp phải kiểm toán trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua kể từ khi giai đoạn 1 dự án Tủ sách hoàn thành, NXB Hà Nội chưa thực hiện kiểm toán theo quy định. 

MỚI - NÓNG