Tàu ngầm Liên Xô K-129 mang số hiệu 574. Ảnh: A. Steshanov / RIA Novosti |
Dự án Jenifer
Cái tên Jenifer được đặt cho dự án để chỉ những nỗ lực của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhằm trục vớt tàu ngầm Liên Xô K-129. Ngày 24/2/1968, con tàu rời căn cứ ở Kamchatka (Nga) để tuần tra chiến đấu, mang theo tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng dưới nước công suất lớn và hai ngư lôi hạt nhân. Lượng vũ khí này đủ để gây ra “Ngày tận thế” quy mô nhỏ.
K-129 có thể di chuyển dưới nước với tốc độ 12 hải lý mỗi giờ, hoạt động liên tục trong 60 ngày, lặn sâu tối đa 30m. Ngày 8/3 năm đó, chiếc tàu ngầm bỗng mất liên lạc. Bộ tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô và Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương đã phát động chiến dịch tìm kiếm-cứu nạn 2 tháng ở khoảng cách hơn 1.000 dặm tính từ Kamchatka, với độ sâu lên tới 500 – 600m. Chiến dịch tìm kiếm đã không mang lại kết quả, Bộ chỉ huy quân sự Liên Xô thừa nhận con tàu gặp nạn và vụ việc được giữ bí mật. Có tổng cộng 98 thủy thủ trên tàu tử nạn.
Sau đó, Hoa Kỳ đã vào cuộc. Họ sốt sắng muốn nắm giữ những bí mật quân sự của Liên Xô, nhằm có được cỗ máy mật mã và những đầu đạn hạt nhân. Tàu hải dương học Mizar của Hải quân Mỹ, được trang bị những máy móc thiết bị tiên tiến, đã đến khu vực xảy ra tai nạn. Nhờ con tàu này mà người ta đã tìm thấy 2 con tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân bị chìm của Mỹ. Vào cuối tháng thứ 2 của chiến dịch tìm kiếm, K-129 đã được phát hiện nằm cách không xa khu vực Hawaii. Từ các bức ảnh, có thể thấy rõ ở mạn trái giữa khoang thứ 2 và thứ 3 có một lỗ thủng.
Chi tiết về dự án Jennifer được nói đến trong cuốn sách “Những chiến dịch bí mật trong thế kỷ XX: Từ lịch sử của các cơ quan đặc biệt” của tác giả Vladimir Biryuk. Theo đó, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã bắt đầu hoạt động ráo riết. Tổng ngân sách của dự án không được tiết lộ, nhưng có nhiều khoản đã được chi tiêu, trong đó có việc đóng 2 chiếc tàu độc đáo sử dụng công nghệ “có một không hai”. Tính bí mật được đặt ở mức cao nhất, thậm chí những người thợ còn không biết mục đích của những con tàu mà họ đang đóng. Lượng choán nước của một chiếc trong đó như Glomar Explorer là 36 nghìn tấn, với chi phí lên đến 350 triệu USD. Chiếc tàu này trông giống như cỗ máy ngoài hành tinh trong phim khoa học viễn tưởng nhất.
Dự án sử dụng đội ngũ nhân lực lên đến 4.000 người và được tỷ phú Howard Hughes tài trợ một phần. Ngoài ra, nó còn được đích thân Tổng thống Mỹ Richard Nixon giám sát.
Công tác trục vớt tàu ngầm K-129 được bắt đầu triển khai vào năm 1974 và tiếp tục vào năm 1975. Các tàu Liên Xô theo dõi quá trình thực hiện, nhưng không thể làm gì được. Tàu Glomar Explorer của Mỹ đã phát hiện được một tàu ngầm của Liên Xô bị chìm và bắt đầu trục vớt nó vào tháng 7/1975. Khi công việc hoàn thành được 99%, thì con tàu bị thủng một lỗ theo chiều dọc và lại chìm xuống đáy biển. Người Mỹ không lấy được những tên lửa hạt nhân, nhưng họ đã trục vớt được một phần khoang mũi tàu, nơi còn có những quả ngư lôi. Tuy nhiên, hoàn toàn không có máy mật mã nào được tìm thấy. Ngoài ra, người Mỹ còn vớt được thi thể của 6 thủy thủ Liên Xô và cải táng trên biển theo đúng nghi thức truyền thống của Hải quân Liên Xô. Khu chôn cất nằm cách vị trí tai nạn tàu ngầm 90 dặm về phía tây nam.
Giai đoạn 2 của chiến dịch
Không chính thức thừa nhận tàu ngầm gặp nạn, Bộ tư lệnh Liên Xô đã ra lệnh tuần tra nơi phát hiện ra nó với quyền được phép chiến đấu nhằm ngăn chặn việc trục vớt các bộ phận còn lại. Cuộc tuần tra diễn ra trong 6 tháng.
Các nhà ngoại giao bắt đầu vào cuộc. Tuy nhiên, người Mỹ nhanh chóng bác bỏ những lập luận của Liên Xô. Họ cho rằng, vì không có tuyên bố chính thức nào về việc tàu ngầm bị chìm, nên tài sản dưới đáy biển không thuộc về ai cả và ai cũng có thể trục vớt nó. Tình hình càng lâm vào bế tắc, và cả hai bên đều làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, Washington vẫn quyết định tạm ngừng công việc.
Nguyên nhân xảy ra thảm kịch
Nguyên nhân xảy ra tai nạn tàu ngầm vẫn chưa được biết đến. Giả thuyết phổ biến nhất được cho là tàu ngầm Swordfish của Mỹ đi phía sau đã vô tình đâm vào chiếc K-129. Giả thuyết này được củng cố bởi thông tin cho rằng, một chiếc tàu ngầm lớp này từ khu vực hoạt động của K-129 đã trở về căn cứ với những vết hỏng hóc và sau đó được đưa đi sửa chữa. Trong khi đó, Hải quân Liên Xô chính thức ủng hộ giả thuyết cho rằng, việc con tàu bị chìm khi đang nạp ắc quy là do trục trặc kỹ thuật van an toàn và chìm xuống độ sâu rất lớn.
Một số chuyên gia cho rằng, khi đang nạp ắc quy thì khí hydro phát nổ, mà nguyên nhân là do hỏng hệ thống thông gió. Vụ nổ đã gây ra một lỗ thủng. Tuy nhiên, sự thật về vụ tai nạn vẫn sẽ không bao giờ được biết đến.
Link gốc:
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/du-an-jenifer-cia-tung-no-luc-danh-cap-tau-ngam-k-129-bi-chim-cua-lien-xo-685399