Ý tưởng này không chỉ đáng quan tâm, mà thậm chí còn rất cần thiết với các lực lượng vũ trang hiện đại. Nhưng tất cả đều phụ thuộc vào khả năng kỹ thuật và tư duy khoa học của những năm 1930.
Kỳ vọng của lãnh đạo Liên Xô
Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, người khi đó đặt nhiều kỳ vọng vào việc xây dựng lực lượng hải quân hùng mạnh, đã ra lệnh biến ý tưởng này thành hiện thực. Ngay sau đó, trong nước đã xuất hiện dự án đầu tiên về loại vũ khí này, do kỹ sư quân sự Boris Ushakov khởi xướng. Trong thời gian theo học tại Trường Kỹ thuật Hải quân cấp cao mang tên F.E. Dzerzhinsky từ năm 1934 đến năm 1937, nhà khoa học tài năng này đã tạo ra những bản vẽ kết hợp giữa tàu ngầm và máy bay.
Năm 1934, kỹ sư hàng hải đã thiết kế và thuyết trình với ban lãnh đạo của Ủy ban công nghiệp quốc phòng Liên Xô về dự án tàu ngầm bay đầu tiên. Nhìn bên ngoài, đó là một chiếc thủy phi cơ công suất mạnh mẽ với 3 động cơ và được trang bị kính tiềm vọng.
Mẫu thiết kế tàu ngầm bay của Liên Xô vào những năm 1930. Nguồn: Dnpmag.com. |
Việc thẩm định dự án kéo dài 2 năm, sau đó kỹ sư Boris Ushakov được mời đến Bộ Quốc phòng Liên Xô. Tại đây, ông được khẳng định rằng, dự án này là thú vị, rất đáng quan tâm và nên triển khai ngay trên thực tế.
Số phận của “đứa con tinh thần”
Những công việc tiếp theo liên quan đến chế tạo tàu ngầm bay đã được tiến hành dưới sự bảo trợ của Ủy ban nghiên cứu khoa học quân sự. Nhưng đáng tiếc là, khi bắt tay chế tạo từng chi tiết của cỗ máy vào năm 1937, thì dự án được coi là quá phức tạp và khiến nó bị khép lại. Tuy nhiên, Boris Ushakov lại có quan điểm hoàn toàn khác về “đứa con tinh thần” của mình.
Ông tiếp tục nghiên cứu chế tạo tàu ngầm bay một cách độc lập. Nhà khoa học này vẫn cho rằng, việc thực hiện dự án của mình là vô cùng cần thiết đối với Hải quân Liên Xô. Bởi với sự hỗ trợ của cỗ máy này, quân đội có thể tiến hành trinh sát hải quân, bất ngờ tấn công những con tàu và các thành phố ven biển, vượt qua các bãi ngư lôi trên biển bằng đường không, cũng như chỉ với 3 chiếc tàu ngầm bay có thể tạo ra rào chắn đối với tàu địch có chiều dài lên tới 10km.
Mô phỏng đồ họa tàu ngầm bay của Liên Xô khi bay. Nguồn: Dnpmag.com. |
Trong khi đó, về mặt kỹ thuật thì dự án đã được tính toán kỹ lưỡng và hoàn toàn khả thi. Theo đó, tàu ngầm bay có 6 khoang, trong đó có 3 khoang được lắp động cơ máy bay. Tiếp theo là khoang ở, khoang chứa ắc quy và khoang động cơ điện chân vịt. Tất cả thiết bị bay đều được đặt trong các ngăn kín và không bị nước lọt vào.
Thân vỏ của tàu ngầm bay dự kiến được làm bằng chất liệu duralumin, trong khi phần cánh làm bằng thép. Đáng buồn nhất là vào năm 1938, trong một cuộc thảo luận về khả năng chế tạo tàu ngầm bay, Ủy ban của Chính phủ Liên Xô đã thừa nhận dự án khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng vẫn khép lại do tốc độ dưới nước của tàu thấp.
Những dự án tương tự của phương Tây
Những dự án tương tự nhằm chế tạo tàu ngầm bay cũng đã xuất hiện ở phương Tây vào nửa sau thế kỷ XX. Tuy nhiên, ngay mới trong giai đoạn thiết kế, chúng đã tỏ ra thua kém đáng kể so với dự án của Boris Ushakov. Tại Mỹ vào năm 1945 và sau đó trong thập niên 1960, quân đội đã cố gắng bố trí nhiều thiết bị bay có thể xuất phát từ tàu ngầm. Nhưng không ai có thể chế tạo được tàu ngầm bay, ít nhất là về mặt chính thức.
Vấn đề nằm ở chỗ, việc tạo ra loại vũ khí này là bí mật quốc gia, nên việc rò rỉ thông tin cho báo chí trong trường hợp này là không thể xảy ra. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, từ giữa những năm 1960, trên toàn thế giới ghi nhận có những vật thể không xác định bay từ dưới nước lên không trung. Sẽ hợp lý khi cho rằng, đây là những thiết kế bí mật tàu ngầm bay của các quốc gia hàng đầu thế giới, mặc dù đến nay vẫn chưa có xác nhận thực tế nào về việc này.
Link bài gốc:
https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/ky-la-du-an-bi-mat-che-tao-tau-ngam-bay-cua-lien-xo-681270