Đội quân bồ câu từng giúp Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức

0:00 / 0:00
0:00
Thông thường, diều hâu và chim ưng của Đức Quốc xã được huấn luyện đặc biệt để săn lùng đội quân bồ câu của Liên Xô trên chiến trường.

Từ thời Trung Hoa cổ đại và Đế chế La Mã, bồ câu đưa thư quân sự được coi là phương tiện vô cùng hiệu quả và được sử dụng tích cực trong các cuộc chiến tranh và xung đột. Ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chim bồ câu vẫn tiếp tục thực hiện công việc quan trọng của mình, đó là hỗ trợ binh lính khi những trạm phát thanh của họ không hoạt động được.

Chim bồ câu đã được sử dụng ở nhiều mức độ khác nhau bởi các lực lượng vũ trang của hầu hết những cường quốc tham gia xung đột trên thế giới. Và Liên Xô cũng không phải là ngoại lệ, khi những “binh sĩ có cánh” không chỉ truyền tải thông tin, mà còn tấn công vào máy bay địch.

Đội quân bồ câu từng giúp Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức ảnh 1
Binh sĩ Liên Xô và một chú chim bồ câu đưa thư. Ảnh: Petrov/Sputnik.

Đội quân bồ câu

Vào giữa thập niên 1920, trong Hồng quân Liên Xô bắt đầu quan tâm trở lại việc liên lạc bằng chim bồ câu, vốn đã phần nào mai một sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trước hết, chúng đảm nhiệm vai trò là những trợ lý cần thiết của lực lượng không quân Xô viết.

Do khi đó liên lạc vô tuyến bằng đường không còn chưa phát triển, nên chim bồ câu bắt đầu được sử dụng để gửi thông tin tình báo hoặc tọa độ trong trường hợp máy bay hạ cánh khẩn cấp. Những công văn được viết trên giấy mỏng và đặt trong thùng kim loại nhẹ rồi gắn vào chân chú chim.

Ngoài ra, những thí nghiệm cũng được tiến hành để thả chim bồ câu từ máy bay bay ở độ cao từ 300m đến vài km. Sau khi thả, những chú chim ngay lập tức xác định phương hướng trong không gian, lao xuống đất và bay về chuồng của chúng.

Năm 1928, Thứ trưởng phụ trách Hải quân Liên Xô Joseph Unshlikht thậm chí còn đề xuất áp dụng ở nước này chế độ “nghĩa vụ chim bồ câu quân sự”, nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc của Hồng quân trong thời chiến. Ngay năm sau, trong các lực lượng vũ trang đã thành lập chuyên ngành kiểm toán quân sự gọi là “huấn luyện viên quân sự nuôi chim bồ câu đưa thư”.

Những chú chim được huấn luyện phục vụ trong lực lượng bộ binh, không quân và hải quân, cũng như được sử dụng để việc bảo vệ biên giới quốc gia. Mạng lưới căn cứ bồ câu quân sự thường trực (cố định) và di động trên ô tô và xe ngựa phát triển mạnh. Năm 1936, ở Liên Xô có hơn 250 trạm với 30.000 chú chim bồ câu hoạt động.

Tuy nhiên, một số chiến dịch quân sự của Hồng quân vào cuối những năm 1930 (xung đột với Nhật Bản trên sông Khalkhin Gol, cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Phần Lan) đã cho thấy sự kém hiệu quả của việc đưa thư bằng bồ câu. Do di chuyển quân nhanh chóng và thường xuyên thay đổi vị trí đóng quân, nên không thể tiếp tục sử dụng chúng.

“Hình thức liên lạc này không còn thích hợp trong các chiến dịch quân sự hiện đại. Tôi nghĩ, có thể đưa chim bồ câu liên lạc tác chiến ra khỏi bộ phận thông tin liên lạc và chuyển chúng cho các bộ phận tình báo để đảm bảo cung cấp thông tin chính thức”, Trưởng ban liên lạc của Quân khu đặc biệt phía Tây, Thiếu tướng Andrey Grigoriev đã báo cáo với ban lãnh đạo vào tháng 8/1940.

Đội quân bồ câu từng giúp Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức ảnh 2
Chú chim bồ câu quân sự mang thiết bị trinh sát. Ảnh: Bundesarchiv.

Trong các trận chiến

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống Đức Quốc xã nổ ra không lâu sau đó đã cho thấy rằng, còn quá sớm để loại bỏ hình thức đưa thư bằng chim bồ câu và những “binh sĩ lông vũ” vẫn có thể mang lại lợi ích không nhỏ trên chiến trường.

Những chú chim bồ câu qua huấn luyện đã được sử dụng để liên lạc tác chiến giữa sở chỉ huy và các đơn vị trên tiền tuyến. Khi các trạm phát thanh không hoạt động, người ta đặt hy vọng vào những “liên lạc viên có cánh” này.

Liên lạc bằng bồ câu đã trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Moscow. Với những đóng góp của chúng vào việc bảo vệ thủ đô, gần 30 người nuôi chim bồ câu đã được tặng thưởng huân và huy chương.

Quân phát xít Đức, vốn vẫn sử dụng liên lạc bằng bồ câu, đã hiểu rõ tác hại mà đội quân lông vũ gây ra khi nằm trong tay của quân du kích và đặc vụ Xô viết. Chúng yêu cầu người dân trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng phải giao nộp tất cả số chim bồ câu mà họ có cho ban quân quản. Nếu ai không tuân lệnh thì sẽ bị xử tử. Do vậy, Viktor Cherevichkin, một cư dân 16 tuổi của thành phố Rostov-on-Don, đã bị Đức Quốc xã xử bắn vào ngày 28/11/1941 vì tội che giấu chim bồ câu suốt một tuần.

Để chặn bắt chim bồ câu của Liên Xô, quân Đức đã huấn luyện chim ưng và diều hâu. Có một báo cáo nói về chú chim bồ câu mang số hiệu 48 nhiều lần bị diều hâu Đức tấn công, nhưng cuối cùng vẫn trở về được nhà. “Bồ câu số 48 rơi xuống dưới chân người nuôi chim Popov lúc trời nhá nhem tối. Một chân nó bị gãy chỉ còn lại da mỏng, trên lưng bị cào cấu và ngực thì dính đầy máu. Chú bồ câu thở nặng nề với chiếc mỏ há rộng. Sau khi chuyển một phần báo cáo từ các trinh sát về trụ sở, nó đã được bác sĩ thú y phẫu thuật và cứu sống”.

Đội quân bồ câu từng giúp Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức ảnh 3
Chim bồ câu mang đạn (ảnh trái) và quả bom trên không bị nổ bởi “đạn bồ câu” (ảnh phải). Ảnh tư liệu.

Những “liên lạc viên có cánh” luôn đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn giữa sở chỉ huy với các nhóm trinh sát quân đội và biệt kích hoạt động trong hậu phương gần của kẻ địch. Để làm được điều này, người nuôi chim bồ câu (với 20-30 con được đặt trong những chiếc giỏ đan bằng cành liễu) đã thực hiện một số nhiệm vụ cùng các binh sĩ. Những chú chim gần như đã trở thành phương tiện tác chiến đáng tin cậy nhất để nhận và truyền thông tin mật cho nhiều biệt đội du kích.

Năm 1944, một đại đội liên lạc chim bồ câu đặc biệt thậm chí đã được thành lập trên Mặt trận Baltic số 2. Năm trăm chú chim bồ câu dưới sự giám sát của 80 quân nhân đã được huấn luyện bay theo 22 hướng trong bán kính 10 - 15km. Trong thời gian 6 tháng, chúng đã chuyển hơn 4.000 công văn.

Ngoài bồ câu liên lạc, trong Hồng quân Liên Xô còn xuất hiện phương tiện được gọi là “đạn bồ câu”. Những chú chim mang đạn sẽ đậu trên những quả bom được treo trên cánh máy bay quân Đức. Đạn tự động được gỡ ra để chim có thể bay đi, rồi sau đó ngòi nổ được kích hoạt.

Tuy nhiên, đề án “đạn bồ câu” không bao giờ được áp dụng trong thực tế, do những chú chim hoàn toàn không phân biệt được bom trên máy bay địch với bom trên máy bay ném bom của Liên Xô. Điều này có thể gây nguy hiểm lớn cho không quân của chính nước này.

Đội quân chim bồ câu của Liên Xô đã phải chịu những tổn thất to lớn trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Tuy nhiên, chúng đã góp phần đáng kể vào chiến thắng chung, truyền hàng vạn thông điệp quan trọng đến cho người nhận. Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với sự tiến bộ của khoa học-kỹ thuật, cuối cùng người ta đã đưa những chú chim bồ câu ra khỏi hệ thống thông tin liên lạc quân sự, những “binh sĩ lông vũ” đã hoàn thành sứ mệnh và được “nghỉ ngơi” xứng đáng.


Link gốc: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/nghe-thuat-quan-su-the-gioi/doi-quan-bo-cau-tung-giup-hong-quan-lien-xo-chien-thang-phat-xit-duc-679670

Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG