Ban chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vừa họp về tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Báo cáo tổng hợp chung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, Hà Nội đã di chuyển 5.307 ngôi mộ (48,8%); phê duyệt và thu hồi đất được hơn 276 ha (34,6%); tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.488,7 tỷ đồng. Đối với tỉnh Hưng Yên, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi GPMB là 263,7ha; 843 hộ có đất ở bị thu hồi; 3.327 ngôi mộ phải di dời…; tổng kinh phí thực hiện công tác GPMB dự án khoảng 5.966,8 tỷ đồng, vượt 2.226,8 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua trên địa phận Hưng Yên. Còn tại tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 389ha; số mộ bị ảnh hưởng 3.189 mộ. Hiện tại, tỉnh chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trong một cuộc khảo sát tiến độ thực hiện đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (ảnh: PV). |
Đáng chú ý, dù thành phố Hà Nội đã triển khai phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi 2 dự án thành phần, đến nay, các dự án thành phần do UBND tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có thẩm quyền phê duyệt mới đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm theo mốc tiến độ quy định theo nghị quyết của Chính phủ, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án (tháng 6/2023).
“Đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển. Công tác GPMB dự án này cũng có ý nghĩa như vậy, làm sớm được ngày nào, người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Kết luận hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng nêu, trong quá trình triển khai dự án vừa qua, xuất hiện nhiều cách làm hay, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Đặc biệt, dự án nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận và nhân dân. Như ở Hà Nội, thực tế cho thấy, cho đến những ngày 28, 29 Tết, người dân vẫn di dời mộ để bàn giao mặt bằng cho nhà nước. Sau Tết, ngay tuần tháng 2 vừa rồi, các gia đình còn lại tiếp tục thực công việc này. Qua thực hiện, các địa phương của Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý; trong đó, việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng. Đánh giá cao cam kết của hai Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh về tiến độ bàn giao mặt bằng, ông Dũng đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện. Trong quá trình này, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét có ý kiến sớm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất; trên tinh thần đó, ban chỉ đạo sẽ có công văn kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án. Ông Dũng cũng nhất trí với đề nghị phê duyệt theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với các dự án thành phần vượt tổng mức đầu tư dự kiến sơ bộ ghi trong nghị quyết của Quốc hội, đồng thời, sẽ báo cáo xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền theo hướng này.