Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiến độ 'rùa', vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gần 12 năm thi công, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vẫn ì ạch chưa chịu về đích và hiện gần như dừng thi công bởi nhiều vướng mắc khó gỡ.

Như Tiền Phong đã phản ánh, sau gần 12 năm khởi công (tháng 10/2010), dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội dù đội vốn gần gấp rưỡi, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Mục tiêu đưa đoạn trên cao vào khai thác thương mại cuối năm nay và đoạn đi ngầm cuối năm 2023, cũng không dễ thực hiện.

Ngày 26/4, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có nhiều vướng mắc, trong đó lớn nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, kéo theo các khó khăn khác.

“Khó khăn về giải phóng mặt bằng liên quan tới quy định Luật Đất đai. Lần đầu tiên có tuyến đường sắt đi ngầm, hành lang an toàn đường sắt rất phức tạp, cơ chế giải phóng mặt bằng rất đặc thù. Các quận có dự án đi qua đang rất cố gắng, tập trung chỉ đạo; lãnh đạo thành phố cũng họp và có nhiều chỉ đạo để giải phóng được mặt bằng phục vụ thi công theo phương án đã được duyệt”, ông Tuấn nói.

Về giải quyết yêu cầu đền bù của nhà thầu do phải kéo dài thời gian thi công vì thiếu mặt bằng, ông Tuấn cho biết, hiện Hà Nội đang báo cáo Chính phủ có chỉ đạo để xử lý.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiến độ 'rùa', vì sao? ảnh 1

Ga S12 (trước ga Hà Nội) của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội thi công dở dang nhưng nhà thầu đã dừng làm tiếp từ 9 tháng trước do vướng mặt bằng và đòi chủ đầu tư đền bù thêm chi phí.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm, nguyên nhân đầu tiên do năng lực của Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội (MRB) không đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Đức, ngay từ bước xây dựng báo cáo tiền khả thi, khả thi, MRB đã không thể hiện được vai trò quản lý dự án, chỉ làm nhiệm vụ “kính chuyển” theo báo cáo của tư vấn.

“MRB thiếu chuyên gia kỹ thuật tầm cỡ để đánh giá được các yếu tố của dự án, thay vì tư vấn báo cáo sao nghe vậy. Chẳng hạn, trong hồ sơ dự án có thiết bị cũ họ không dùng hết nên đưa vào dự án ở ta, cả dự án ở Hà Nội và TPHCM đều bị thế, nhưng ban quản lý dự án không phát hiện. Khi phát hiện ra thì hợp đồng đã ký, lỗi do mình nên phải chịu”, ông Đức nói. Giờ muốn sửa phải thuê chuyên gia để đánh giá, đề xuất, nhưng như vậy, theo ông Đức, nhiều vấn đề tồn tại khác lại được phát hiện ra, nên cũng khó.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia trên, còn vấn đề phối hợp giữa các đơn vị chưa tốt, như phối hợp giữa MRB và các địa phương để tập trung giải phóng mặt bằng, thay vì cứ ngồi rồi chờ địa phương. Trong khi việc giải phóng mặt bằng trong khu vực đô thị nhà Hà Nội chưa bao giờ là chuyện dễ.

“Bài học đều thấy hết, nhưng ai cũng viện lý do lịch sử, nhiệm kỳ trước. Năng lực ban quản lý ai cũng biết, thậm chí với đường sắt đô thị chưa làm bao giờ, nhưng theo quy định vẫn phải có. Không có cơ chế để thuê công ty có kinh nghiệm, năng lực chuyên quản lý công trình, nên cứ loanh quanh”, ông Đức nói thêm.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiến độ 'rùa', vì sao? ảnh 2

Tiến độ các gói thầu đoạn trên cao của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tới tháng 3/2022.

Trước đó, khi đưa dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác thương mại, ông Dương Đức Tuấn cũng từng chia sẻ: Khó khăn về mặt bằng là một trong các nguyên nhân chính làm nhiều dự án ở Hà Nội chậm tiến độ, trong đó có tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Qua dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hà Nội cũng rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo.

“Chúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan để gỡ vướng về giải phóng mặt bằng, đặc biệt là với Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi”, ông Tuấn nói.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tiến độ 'rùa', vì sao? ảnh 3

Đoạn đi ngầm dừng thi công, đoạn đi trên cao cũng còn nhiều vướng mắc, nên mốc hoàn thành phần trên cao cuối năm nay, phần đi ngầm cuối năm tới cũng chưa chắc có thể đạt được.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,1 tỷ euro (tăng hơn 66%). Trong đó, có 957 triệu euro vốn ODA từ 4 nhà tài trợ quốc tế, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Tại quyết định phê duyệt dự án, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010 dự án mới chính thức được khởi công trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và tiến độ được lùi tới năm 2015. Sau khi lùi tiến độ nhiều lần, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và cuối năm 2023.

MỚI - NÓNG