Cụ thể, Bộ KH&ĐT vừa có báo cáo Chính phủ về thực trạng triển khai và các vướng mắc, tồn tại ở dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Theo Bộ KH&ĐT, các nhóm vướng mắc lớn nhất đang có liên quan đến việc xử lý các hợp đồng tại dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội, bao gồm: sự khác biệt giữa hợp đồng theo mẫu của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC) với quy định pháp luật Việt Nam; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành; hợp đồng tư vấn trọn gói của Systra (Pháp).
Cũng theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều ý kiến góp ý với UBND thành phố Hà Nội để tháo gỡ các vướng mắc nói trên, tuy nhiên các ý kiến góp ý chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật hiện hành, chưa đưa ra phương án cụ thể, khả thi để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.
Do vậy, để sớm giải quyết những vướng mắc của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ KH&ĐT đề nghị, cần có sự phân công cơ quan chuyên môn cụ thể chủ trì, chịu trách nhiệm hướng dẫn, đưa ra giải pháp đối với vấn đề thuộc thẩm quyền.
Trong văn bản gửi Bộ GTVT vào tháng 9/2021, UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình gia hạn hợp đồng, một số nhà thầu nước ngoài đã lợi dụng tính cấp thiết về tiến độ dự án, tiến độ vận hành trước đoạn trên cao để gây sức ép lên chủ đầu tư bằng chiến thuật chậm trình hồ sơ, đẩy chi phí phát sinh lên cao bất hợp lý.
Các nhà thầu cũng thiếu hợp tác với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và tư vấn trong việc làm rõ các đề xuất, thậm chí đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế, khiến các bên mất thời gian xử lý sự vụ, ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chính.
Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội là công trình đường sắt đô thị đầu tiên do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ là Chính phủ Pháp; Cơ quan Phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn đối ứng ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải hoàn thành vào năm 2018, nhưng do việc giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi toàn tuyến chậm, nên vào tháng 7/2019, UBND thành phố Hà Nội đã nới tiến độ hoàn thành, trong đó đoạn trên cao sẽ khai thác vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022. Tuy nhiên hiện nay, tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,41%; đoạn ngầm đạt 32,2%).