Mỗi năm làm 1,3km đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bộ, địa phương cùng rút kinh nghiệm!

0:00 / 0:00
0:00
Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ mở cửa đón khách ngay trong sáng 6/11 tới
Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ mở cửa đón khách ngay trong sáng 6/11 tới
TP - Ngay sau lễ bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Hà Nội vào sáng 6/11, đoàn tàu sẽ mở cửa đón người dân Thủ đô trải nghiệm. Qua triển khai dự án này, cả lãnh đạo Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cho biết, tất cả đều rút ra nhiều kinh nghiệm cho các dự án đang và sẽ triển khai thời gian tới.

Ngân sách trợ giá

Chiều 4/11, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo cung cấp thông tin kế hoạch bàn giao, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trả lời câu hỏi của báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, lễ ký kết bàn giao, tiếp nhận giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ diễn ra vào 7h sáng ngày 6/11. Khi lễ bàn giao kết thúc, đoàn tàu sẽ khai thác ngay và mở cửa đón người dân trải nghiệm miễn phí. Giai đoạn đầu vận hành sẽ kéo dài 1 năm, sau đó hoạt động của tàu được đánh giá để chính thức đưa vào khai thác bền vững. Trong 15 ngày đầu, 3 đoàn tàu sẽ chạy liên tục, sau đó đơn vị khai thác sẽ bán vé và tăng tần suất lên 6 đoàn tàu, từ tháng thứ 7 sẽ tăng lên 9 đoàn tàu.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành thương mại) cho biết, đã sẵn sàng vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Một số khuyến cáo của Tư vấn ACT đã được thực hiện xong. Trong tuần đầu sẽ khai thác 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 tăng lên 10 phút/chuyến, từ tháng thứ 7 sẽ khai thác giờ cao điểm 6 phút/chuyến, thấp điểm là 10 phút/chuyến và điều chỉnh tần suất theo nhu cầu đi lại của hành khách.

Theo ông Trường, giá vé đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Trong đó, vé lượt từ 8 đến 15 nghìn đồng/chặng (tùy độ dài chặng khách đi); vé ngày 30 nghìn đồng/ngày; vé tháng với khách bình thường là 200 nghìn đồng/tháng, nhóm ưu tiên là 100 nghìn đồng/tháng (học sinh, sinh viên, đối tượng chính sách…).

Nhóm khách đi xe buýt miễn phí cũng được miễn phí đi tàu Cát Linh - Hà Đông (người cao tuổi, người khuyết tật…). Thời gian đi hết tuyến là 23,6 phút, tàu hoạt động từ 5 đến 23h hằng ngày. Hà Nội đã điều chỉnh lại các tuyến xe buýt, chuyển điểm dừng xe buýt gần các nhà ga đường sắt, tại các ga đều bố trí điểm trông giữ xe máy, xe đạp.

Sau 10 năm xây dựng, 13km đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) cũng tới đích. Dự án được phê duyệt năm 2008, mục tiêu hoàn thành năm 2013, khởi công vào năm 2011, sau đó có nhiều lần phải lùi tiến độ. Tổng mức đầu tư tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng). Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông là giai đoạn 1 của tuyến Cát Linh – Xuân Mai, Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư giai đoạn 2 nối từ Hà Đông tới Xuân Mai thời gian tới.

“Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông công bố trên đã được ngân sách Hà Nội trợ giá, gồm cả phí bảo hiểm, tương tự trợ giá với xe buýt. Hiện tại, thế giới chỉ có 2 mạng đường sắt đô thị tự cân đối được chi phí, Nhà nước không phải trợ giá là đường sắt đô thị của Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc)”, ông Trường nói. Cũng theo lãnh đạo Công ty Metro Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có 733 nhân sự tham gia vận hành, bình quân 56 người/km, tuyến Nhổn - ga Hà Nội (đang xây dựng) dự kiến 51 người vận hành/km. Theo ông Trường, nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải nhiều so với các dự án khác.

Nhiều bài học

Trả lời báo chí về kinh nghiệm rút ra sau triển khai Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, khi thực hiện dự này, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đường sắt đô thị Việt Nam chưa có, nên vừa làm vừa hoàn thiện. Suốt quá trình đó, phải sử dụng theo quy chuẩn của Trung Quốc (quy chuẩn Trung Quốc cũng dựa trên hệ quy chuẩn châu Âu).

Từ vướng mắc về giải phóng mặt bằng kéo dài 5 năm, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, đã rút ra kinh nghiệm và đã đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để triển khai trước, khi đủ mặt bằng mới thi công. Vấn đề hợp đồng trọn gói EPC theo quy định Việt Nam và thông lệ quốc tế còn khác biệt, Việt Nam cần quy định chi tiết hơn và phù hợp thông lệ quốc tế để tránh các vấn đề phát sinh, tranh chấp.

Ngoài ra, đội ngũ nhân sự quản lý dự án cũng thiếu kinh nghiệm, cần phải nâng cao trình độ, theo ông Đông, sau dự án này nhân sự quản lý sẽ trưởng thành và có kinh nghiệm hơn, các dự án sau này sẽ làm tốt hơn. “Tới đây, Bộ GTVT sẽ phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm các bên liên quan tới dự án này”, ông Đông nói.

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho hay, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác là tuyến đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam. Khi triển khai có khó khăn, vướng mắc nên kéo dài 10 năm thi công, và 13 năm từ khi phê duyệt dự án, trong đó có giải phóng mặt bằng chậm.

Theo ông Tuấn, rất nhiều dự án hạ tầng tại Hà Nội gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, là một trong những nguyên nhân làm dự án chậm tiến độ, kể cả với tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. “Qua dự án này Hà Nội cũng rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu để triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo. Cúng tôi cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan, đặc biệt là với Luật Đất đai đang được nghiên cứu sửa đổi”, ông Tuấn nói.

Với 16 khuyến cáo của Tư vấn ACT của Pháp, tới nay, phía chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đường sắt) đã cơ bản thực hiện đầy đủ 7/16 nội dung thuộc trách nhiệm của mình. Với 9/16 khuyến cáo do Hà Nội thực hiện, Giám đốc Công ty Metro Hà Nội – ông Vũ Hồng Trường cho biết, tới nay cũng cơ bản hoàn thành. Cụ thể, đơn vị vận hành đã cập nhật bổ sung 8 quy trình liên quan vận hành; đã bổ sung nhân lực phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hành khách; phê duyệt các quy trình bảo dưỡng và vận hành hệ thống; bổ sung diễn tập đảm bảo thành thục cho nhân viên; bổ sung chỉ dẫn cho người khuyết tật; bổ sung biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp…

Với 4 khuyến cáo liên quan tới đầu tư thêm nằm ngoài thiết kế thực hiện trong giai đoạn khai thác, UBND TP Hà Nội đã có văn bản cam kết thực hiện, gồm: Bổ sung giải pháp hỗ trợ người khuyết tật; đầu tư hệ thống rào chắn ke ga (khoảng giữa đoàn tàu và vị trí khách đứng chờ); Cải tiến hệ thống cửa riêng để cấp khí tươi cho hệ thống điều hòa thông gió; Cải tiến hệ thống cửa, tay cầm mở khẩn cấp và bổ sung hệ thống cảnh báo chống ngủ gật với lái tàu.

MỚI - NÓNG