Động lực mới cho tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2024 - năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Không gian mới, cơ hội mới

Dù chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, song năm 2023, Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hiệu quả hơn trước bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước. Tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước. Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng ước đạt 94,9% dự toán, ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra, tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Động lực mới cho tăng trưởng ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới. Ảnh: PV

Trong khi đó, việc tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài từ nhiều năm như thị trường bất động sản, trái phiếu, tín dụng... được Chính phủ tập trung xử lý, bước đầu tạo chuyển biến tích cực. Việc hàng trăm km đường cao tốc mới được đưa vào khai thác, sử dụng đã đưa tổng số chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và đô thị. Nhiều dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai khi đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế chính sách liên quan đến quy định phòng cháy, chữa cháy, xuất nhập cảnh, đất đai, vật liệu xây dựng được tháo gỡ… “Đây là dư địa, là động lực để kinh tế tăng trưởng thời gian tới”, dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 do Bộ KH&ĐT soạn thảo nêu rõ.

Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục đã mở ra nhiều cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ… Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Đặc biệt, là trong phát triển các ngành, lĩnh vực mới, hiện đại như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lao động.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc ông Jensen Huang - CEO của Nvidia vừa đến Hà Nội đánh dấu định hướng ngoại giao kinh tế chuyển sang cao hơn như hợp tác làm chip bán dẫn. Đây là điều kiện tốt để chuyển sang nền kinh tế với chất lượng cao hơn. Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, không gian phát triển của Việt Nam đã được mở rộng, không bị “đóng cứng” như trước. Việc nhiều tập đoàn công nghệ gần đây vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội và đặt nền móng đầu tư cho thấy tiềm năng rất lớn của Việt Nam.

Bắt tay vào việc ngay từ đầu năm

Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ KH&ĐT thì khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; tập trung phát triển kinh tế tại các đô thị lớn để tiếp thêm động lực cho tăng trưởng. Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chip bán dẫn, linh kiện; Thu hút nguồn lực tài chính xanh để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen…

Với các động lực mới được mở ra, Bộ KH&ĐT cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm tới dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Cùng với đó, các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.

Tại dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình kết quả phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Bộ KH&ĐT đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ. Đặc biệt cần tập trung phục hồi, phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức còn lớn, việc tận dụng các động lực tăng trưởng mới từ các dự án, công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng, cũng như tranh thủ các cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực chip bán dẫn, linh kiện… có ý nghĩa hết sức quan trọng để đạt được mức tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5%.

MỚI - NÓNG