Đổi thay toàn diện ở xã vùng sâu Đồng Nai Thượng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đồng Nai Thượng là xã xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng với gần 100% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Mạ và S’Tiêng. Xã này từng có tới 85% số hộ thuộc diện nghèo, nhưng nay đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đổi thay toàn diện ở xã vùng sâu Đồng Nai Thượng ảnh 1

Cây cà phê và lúa nước giúp nhiều hộ dân xã Đồng Nai Thượng thoát nghèo

Trước đây, con đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt và nguy hiểm là tuyến đường duy nhất nối xã Đồng Nai Thượng với trung tâm huyện Cát Tiên. Đây là trở ngại lớn nhất khiến việc sản xuất, mua bán hàng hóa của người dân vô cùng khó khăn.

Nguồn sống chủ yếu của hơn 360 hộ dân (khoảng 1.550 nhân khẩu) là cây điều nhưng do phần lớn diện tích điều đã già cỗi nên năng suất thấp. Nhiều hộ bị thiếu đói nên Nhà nước phải thường xuyên cứu đói mùa giáp hạt.

Trước tình hình đó, ban ngành chức năng của huyện và xã đã vận động người dân chuyển đổi hơn hàng trăm héc ta điều sang trồng cà phê, cao su và cây ăn quả. Mặt khác, xã đã tổ chức khai hoang, hỗ trợ lúa giống và cử cán bộ xuống tận nhà hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng lúa nước.

“Hàng chục gia đình trong xã đã biết cách trồng lúa nước. Mặc dù diện tích lúa nước của gia đình tôi chỉ khoảng 2 sào nhưng nhờ mỗi năm trồng được 2 vụ nên cũng đủ gạo để ăn, không còn phải nhờ trợ cấp của Nhà nước nữa”, ông K’Đoành - một hộ dân trong xã phấn khởi.

Cán bộ xã cho hay, các dự án về thủy lợi do Nhà nước đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa nước và chuyển đổi cây điều sang các cây trồng khác. Đến nay, Đồng Nai Thượng đã được đầu tư xây dựng hồ chứa nước Bê Đê với vốn đầu tư lên tới 25 tỷ đồng, đập Đạ Cọ (500 triệu đồng), đập dâng Bù Sa (150 triệu đồng)…

Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cũng đã đem lại hiệu quả khả quan, góp phần cải thiện đời sống của người dân xã nghèo Đồng Nai Thượng.

Vườn Quốc gia Cát Tiên giao khoán cho các hộ dân bảo vệ hơn 6.100ha rừng với số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 2 tỷ đồng/năm. Như vậy, bình quân mỗi hộ thu nhập từ quản lý bảo vệ rừng từ 14 -15 triệu đồng/năm.

Sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân cùng với sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các chương trình, dự án của Nhà nước, đặc biệt là việc thảm nhựa tuyến đường từ trung tâm huyện lên Đồng Nai Thượng nên xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo giảm dần từ 85% xuống còn hơn 50% năm 2010 và nay chỉ còn vài phần trăm. Xã không còn hộ đói, không có nhà tạm bợ…

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.