Người dân chở hoa hồng đi tiêu thụ |
Ngày 17/11, ông Cil Poh, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết đây là huyện miền núi có nhiều tộc người thiểu số cùng sinh sống, chủ yếu là người K’Ho, Chu Ru, Ra Glai…
Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số chuyên trồng lúa, bắp, khoai, sắn; nuôi heo, gà và vào rừng hái măng, nhặt hạt dẻ…, do đó đời sống gặp nhiều khó khăn; tình trạng đói giáp hạt xảy ra thường xuyên ở vùng sâu, vùng xa.
Những năm gần đây, huyện tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước dồi dào để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, rau và hoa xuất khẩu; nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc...
Đặc biệt, huyện Lạc Dương vận động người dân trồng cà phê Arabica, loại cà phê ngon bậc nhất thế giới nhưng hiếm nơi nào trồng được. Đến nay, cây trồng này góp phần không nhỏ để tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương, đồng thời là nguồn thu nhập thường xuyên nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án phát triển sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ người dân về phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn. Hiện bình quân mỗi hộ sản xuất cà phê với quy mô diện tích từ 0,5 - 1ha.
Lạc Dương cũng là vùng có độ che phủ rừng lớn bậc nhất Tây Nguyên (đạt 85%); đồng thời có sự hiện diện của Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tận dụng lợi thế này, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo điều kiện cho người nghèo được tham gia cung cấp các sản phẩm, qua đó cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, huyện lập dự án để người nghèo được hưởng lợi từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ.
Năm nay, Lạc Dương còn vận động nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp 4,5 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo.
Theo ông Cil Poh, ước tính tỷ lệ hộ nghèo trong năm nay giảm từ 8,6% xuống còn 5,8%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm tới 2,8%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 2%.