Đổi mới giáo dục: 'Cả nhà' cùng kêu khó!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO- 'Khó' là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển giáo dục” và “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”sáng 23-1 tại sáu điểm đầu cầu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng khi thực hiện chiến lược, các trường có khó khăn nhiều trong đó có sức ỳ nội tại của các trường, các cơ sở vì không muốn đổi mới, không muốn thay đổi.

Ngoài ra, ông Trạch cũng chỉ ra một khó khăn khi triển khai Chiến lược phát triển giáo dục là mâu thuẫn trong tăng quy mô, giữa nhu cầu của xã hội với việc tăng học phí để bảo đảm hoạt động. Đặc biệt, tệ nạn xã hội tràn vào các trường nhiều. Bất cập trong tuyển dụng cũng khiến các trường khó khăn, nhiều người đi học không phải để lấy kiến thức, khó khăn mà để lấy bằng cấp. Tư tưởng trọng bằng cấp gây khó khăn trong đổi mới giáo dục.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ ra, giáo dục Hà Nội vẫn còn hàng loạt khó khăn như đất cho trường học còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đồng đều, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, mạng lưới các trường học chưa phù hợp. Cơ chế quản lý giáo dục còn chậm đổi mới, chưa tạo điều kiện tối đa để phân cấp cho các cơ sở.

Ông Lê Đăng Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cho rằng việc triển khai còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, nhất là ở cấp huyện: “Vấn đề luân chuyển nhà giáo, với việc phân cấp hiện nay thì ngành giáo dục không luân chuyển được nhà giáo, vì không có kinh phí, thẩm quyền luân chuyển lại không thuộc ngành giáo dục”- ông Quý nói.

Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải nêu ra khó khăn khi thực hiện chiến lược là nguồn lực tài chính của trường còn hạn chế. “Cơ chế hiện nay chưa thu hút được giảng viên giỏi, giảng viên vẫn phải vừa dạy vừa lo mưu sinh; nhiều sinh viên thích ứng chậm với phương pháp đào tạo mới làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”- Ông Sử cho biết thêm.

Ông Đặng Kim Vui- Giám đốc ĐH Thái Nguyên thì chỉ ra đào tạo hiện nay vẫn chưa theo quy hoạch, dẫn đến chỗ thừa chỗ thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục yếu về chuyên môn, ngoại ngữ, thiếu nhiệt huyết.

“Đầu tư cho giáo dục hiện nay vẫn còn dàn trải, chưa thể hiện được mục tiêu của chiến lược. Cần làm rõ đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thì tập trung vào điều gì?”- Ông Vui nêu băn khoăn.

Tăng tự chủ, chuẩn hóa giáo viên

Ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng, Bộ cần có tiêu chí minh bạch trong cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục, để các cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan kiểm toán hơn là xin duyệt hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Bưởi, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh nói: Ngành giáo dục cần sắp xấp lại hệ thống các trường học, tiến hành phân luồng học sinh, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, hoàn tất kiên cố hóa trường lớp học.

Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải có kiến nghị Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhà giáo để nhà trường thu hút được giảng viên giỏi, tăng cường trao tự chủ cho các trường, tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh; đầu tư hạ tầng cho các trường để bảo đảm hội nhập quốc tế.

Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng vấn đề phân cấp quản lý giáo dục vẫn chưa đồng bộ. Ông Trường cũng đồng ý giải pháp căn bản hiện nay là nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới người học. Các trường đào tạo sư phạm cần đi trước một bước để đội ngũ giáo viên không phải đào tạo lại. Cần tăng cường đầu tư cho các trường chuyên, vì đó là nôi đào tạo nhân tài của đất nước.

Chất lượng dễ dãi

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận việc luân chuyển giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trên thực tế triển khai rất khó khăn do rất nhiều nguyên nhân khách quan. Sau năm năm giáo viên dạy ở vùng sâu vùng xa không được hưởng phụ cấp, sinh ra bất hợp lý như các nhà giáo dạy lâu năm ở vùng sâu vùng xa, tiền lương, thu nhập ít hơn giáo viên vừa ra trường.

Bộ trưởng Giáo dục cũng cho biết, Bộ đã làm việc với bộ ngành đề xuất với T.Ư, đề xuất với Chính phủ và đã đạt được sự thống nhất và trình Chính phủ về việc này và trong tương lai sẽ xử lý được.

Trước các ý kiến tại hội nghị về giáo viên chưa đạt chuẩn, Bộ trưởng cho rằng không chỉ giáo viên chưa đạt chuẩn mà giáo viên có bằng cấp cũng chưa đạt trình độ thực sự..

Theo Bộ trưởng, đây là bài toán phải xử lý giải quyết một cách từng bước. "Về việc này, Bộ đã có chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020. Sẽ có rà soát, tính toán lại mạng lưới đào tạo giáo viên, có đầu tư bao gồm đầu tư về tài chính và đặc biệt nâng cao về năng lực trước hết cho hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM”.

“Trên cơ sở đó thay đổi căn bản chương trình nội dung, phương pháp dạy, phương pháp học trong trường sư phạm lấy đó là nguồn lực thay đổi giáo dục phổ thông”- Bộ trưởng Luận khẳng định.

Kết luận các vấn đề liên quan đến chất lượng khối đại học: “Bộ trưởng kêu gọi hiệu trưởng tôn trọng chất lượng thương hiệu, uy tín của nhà trường. Hôm nay làm dễ dãi, làm chất lượng thật của sinh viên không phải như vậy mà vẫn được bằng giỏi. Sau đó, chất lượng không được thế, chỉ được 1-2 bữa thôi, như vậy xã hội không tin”.

“Chúng tôi đang cân nhắc việc có nên đặt vấn đề miễn thi thế này, miễn thi thế khác với các bằng giỏi không. Vấn đề bằng giỏi hiện nay quản lý rất lỏng lẻo”- Bộ trưởng cho biết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.