Dốc sức đưa điện ra đảo xa

Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 đang triển khai đóng móng cọc trụ điện của đường dây 110 kV vượt biển. Ảnh: Đại Dương
Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 đang triển khai đóng móng cọc trụ điện của đường dây 110 kV vượt biển. Ảnh: Đại Dương
TP - Mặc thời tiết có nhiều bất lợi, chủ đầu tư (Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVN SPC) cùng các nhà thầu đang tìm mọi cách để vượt khó và dốc sức thi công xây dựng đường dây 110 kV vượt biển đưa điện ra xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang).

Căng mình vượt biển

Những ngày đầu năm 2016, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc hành trình theo bước chân những người thợ xây dựng đường dây 110kV vượt biển đến Lại Sơn. Ông Phạm Ngọc Lễ -Phó tổng giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản của EVN SPC cho biết, đường dây An Biên-Lại Sơn có tổng chiều dài  gần 44 km, trong đó có 24,5 km đường dây đi trên biển. Đây là đường dây 110 kV vượt biển dài nhất Việt Nam từ trước đến nay. Riêng  đoạn vượt biển có tổng cộng 48 trụ điện, ngoài ra còn có 2 trụ tiếp bờ.

Ông Lễ cũng cho biết, công trình được khởi công xây dựng đầu tháng 9/2015. Để đẩy nhanh tiến độ, EVN SPC cho triển khai hai hướng thi công móng trụ trên biển, một từ trong bờ hướng ra Lại Sơn và một từ Lại Sơn hướng vào bờ. Sau khi móng trụ được xây dựng hoàn tất, các nhà thầu xây lắp điện sẽ tiến hành ngay việc dựng trụ và kéo dây trên không, đảm bảo đưa điện lưới quốc gia ra đảo đúng dịp 30/4/2016.

Từ phía biển Xẻo Nhàu (điểm tiếp bờ phía đất liền của đường dây, thuộc xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) những hàng trụ móng cột đầu tiên đã được dựng lên và cắm sâu trong lòng biển. Gói thầu xây dựng móng trụ đoạn từ bờ đất liền hướng ra đảo Lại Sơn (gồm 17 trụ) do liên danh Công ty CP Cơ khí Kiên Giang và Công ty Cienco1 đảm trách. Ông Nguyễn Trong Đức, chỉ huy trưởng công trường cho biết hiện đang tiến hành đóng cọc thử ở từng vị trí móng, sau khi các đơn vị chức năng tiến hành kiểm định, đơn vị thi công sẽ cho đóng cọc đại trà, mỗi đế móng có diện tích 100 m2 và sẽ đóng từ 20-35 cọc, tùy vào tình hình địa chất thực tế của từng vị trí cột. Ông Đức cũng cho biết, do thời tiết thất thường, biển động và thường xuyên có sóng lớn gây trở ngại cho việc thi công nên tiến độ có phần chậm so với kế hoạch. “Chính vì vậy, chúng tôi phải tăng cường lực lượng, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ và làm bất kể ngày đêm khi điều kiện thời tiết cho phép”- ông Đức nói, đồng thời cho biết, ngoài những máy móc thiết bị cần thiết, trên công trường thường xuyên túc trực 60-80 kỹ sư, công nhân để cùng lúc thực hiện nhiều phần việc thi công khác nhau.

Trong khi đó, từ phía đảo Lại Sơn, Tổng công ty XD Lũng Lô- nhà thầu xây dựng 31 móng trụ từ Lại Sơn hướng vào bờ cũng đang khẩn trương triển khai thi công với đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực. Một loạt các công việc chuẩn bị đã và đang được nhà thầu này triển khai như gia công coffa móng, thành, cột; gia công sàn đạo thép để đóng cọc thử, khung định vị; lập hệ thống lưới quan trắc; sản xuất cọc thử; nạo vét luồng lạch, định vị tim móng trụ... Đại diện nhà thầu cho biết, hiện đã vận chuyển tập kết đủ số lượng cọc thử, gồm 62 cọc cho toàn 31 trụ, đồng thời triển khai lắp dựng sàn đạo cho công tác đóng cọc thử vị trí trụ 45.

Khát điện

“Nhu cầu sử dụng điện trên đảo rất lớn và bà con luôn mong muốn có điện lưới quốc gia về để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Đức Tài - Trưởng ấp Bãi Nhà B (xã đảo Lại Sơn) tâm sự. Ông cho biết, lâu nay bà con trên đảo sử dụng điện từ máy phát diesel. Trước đây giá bán điện rất cao, lên đến 3.000-4.000 đồng/kWh. Kể từ tháng 7 năm 2014, khi Chính phủ có chủ trương giảm giá bán điện các đảo xuống ngang bằng đất liền, bà con phần nào giảm được gánh nặng tiền điện. Tuy nhiên, hiện tại điện chỉ phát 15 giờ mỗi ngày nên việc sử dụng thiết bị điện trong gia đình gặp rất nhiều trở ngại và tuổi thọ của các thiết bị điện cũng giảm mạnh.

Dốc sức đưa điện ra đảo xa ảnh 1

Thông tin điện lưới quốc gia chuẩn bị ra đảo Lại Sơn đã kích hoạt hoạt động đóng mới và sửa chữa tàu đánh cá trên hòn đảo này trở nên nhộn nhịp hơn trước. Ảnh: Đại Dương

Anh Trương Văn Việt, chủ tàu Kim Anh ở ấp Thiên Tuế (Lại Sơn) cũng tỏ ra tâm tư  về tình trạng điện vừa thiếu vừa không ổn định điện áp. “Điện bỗng chốc mạnh làm đèn sáng lóe lên, rồi bỗng chốc sụt xuống khiến đèn mù mù. Cũng vì vậy mà nhiều tủ lạnh cháy, nhà tôi cũng hai, ba lần bị cháy tủ lạnh vì điện trồi sụt bất thường”- Việt nói. Anh Việt cũng cho biết vì điện không đảm bảo nên không thể sản xuất đá lạnh tại chỗ để phục vụ việc đánh bắt cá. Bà con ngư dân phải mua đá lạnh sản xuất trong đất liền chuyển ra với giá cao gấp 3 lần, từ 18-20.000 đồng/cây. Theo anh Việt, cũng vì không có điện nên không thể phát triển các cơ sở chế biến tại chỗ và điều đó khiến các ngư dân đánh bắt cá chịu không ít thiệt thòi vì tăng chi phí, trong khi giá bán cá có thể bị ép bất cứ lúc nào. 

Trạm trưởng trạm phát điện Lại Sơn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trạm có 3 máy phát với tổng công suất 1,3 MW, nhưng thường xuyên chỉ chạy 2 máy với công suất 800 kW, máy còn lại để dự phòng. Với công suất này chỉ đảm bảo cơ bản nhu cầu thắp sáng sinh hoạt của người dân, vì vậy vào giờ cao điểm chỉ cần một vài gia đình nào đó bật máy lạnh là điện có thể sụt áp. Nhu cầu điện phục vụ sản xuất kinh doanh của bà con trên đảo rất lớn nhưng với hiện trạng máy phát như hiện nay không thể nào đáp ứng đủ.

Đón đầu điện lưới quốc gia

Trưởng ấp Bãi Nhà B Nguyễn Đức Tài cũng chia sẻ, nghe chuẩn bị có điện, bà con trên đảo ai cũng mừng, nhiều gia đình đã rục rịch sắm những đồ điện cần thiết phục vụ sinh hoạt gia đình. Ông cũng cho biết: “Cứ mỗi chuyến tàu từ đất liền cập đảo thì có ít nhất vài ba người đem theo đồ điện về đảo, trong đó có cả máy lạnh, loại mà xưa nay bà con ngoài này rất ít biết đến”. Ngoài mua đồ điện phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ gia đình đã đón đầu điện lưới quốc gia bằng việc chuyển hướng sang làm dịch vụ. Chị Trương Thị Màu, ấp Bài Nhà B cho biết, cách nay khoảng nửa tháng, gia đình chị đã mua một chiếc tủ mát về để kinh doanh kem. Chị Tâm sự: “Tụi nhỏ ở đây rất thích ăn kem và từ lâu tôi muốn bán kem nhưng vì điện chập chờn lúc có lúc không nên ngại. Giờ nghe sắp có điện lưới, tôi mua chiếc tủ mát này…”.

Dốc sức đưa điện ra đảo xa ảnh 2

Nhiều người dân trên đảo đón đầu điện lưới quốc gia bằng việc đầu tư phát triển kinh doanh. Ảnh: Đại Dương

Các dịch vụ cần đến điện trên đảo như đóng mới và sửa chữa tàu đánh cá, dịch vụ vi tính, trò chơi điện tử, dịch vụ hậu cần du lịch…cũng đang khởi sắc theo những bước đi của điện. Chỉ cơ ngơi nhà trọ khang trang vừa mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn, chị Bích Trâm, chủ nhà trọ Thanh Tú (ấp Bãi Nhà A) vừa kể: “Khi nghe đảo sắp có điện lưới quốc gia, khách du lịch đến đảo ngày càng nhiều nên gia đình tôi chuyển hướng sang kinh doanh nhà trọ và đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng nhà trọ này”. Thanh Tú là nhà trọ có quy mô lớn nhất trên đảo Lại Sơn cho đến thời điểm này, với 15 phòng, được trang bị đầy đủ máy lạnh- điều mà không nhà trọ nào trên đảo có được. Chị Bích Trâm cho biết, trong thời gian trước mắt sẽ chạy máy phát tự trang bị vào những giờ nhà máy điện trên đảo không hoạt động để đảm điện trong nhà trọ được duy trì liên tục. “Khi điện lưới quốc gia ra đến đảo, việc kinh doanh nhà trọ của chúng tôi chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi hơn”- Bích Trâm nói.  

Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết, công trình xây dựng đường dây 110 kV dưa điện ra đảo Lại Sơn có tổng mức đầu tư trên 484,5 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ cấp điện cho gần 2.000 hộ dân trên đảo này. Năm 2018 EVN SPC sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn hai của dự án, đó là xây dựng đường điện nối tiếp từ Lại Sơn đưa điện đến đảo An Sơn và quần đảo Nam Du. 

Ông Lễ cũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư kéo điện quốc gia ra các đảo thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang, EVN SPC đã triển khai lập dự án đầu tư cấp điện cho 6.800 hộ dân ở 7 xã đảo của tỉnh, bao gồm 3 xã kể trên và các xã Sơn Hải, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương); Hòn Đốc (xã Tiên Hải, TX.Hà Tiên); Hòn Thơm (huyện Phú Quốc) với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG