Ðộc đáo phố cổ Háng Ngầu

Nét xưa, nhà cổ Háng Ngầu Ảnh: Duy Chiến
Nét xưa, nhà cổ Háng Ngầu Ảnh: Duy Chiến
TP - Mặc dù đã tồn tại hàng trăm năm nay, thế nhưng phố cổ Háng Ngầu ở xứ Lạng với nhiều nét kiến trúc, phong tục rất độc đáo mới phát lộ gần đây. Tôi ngược dòng sông Kỳ Cùng đến khu phố nhỏ đậm nét người Nùng trong gió heo may đầu xuân.

Trước lúc xuất hành, tôi ghé thăm Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT &DL) tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thế Vinh. Ông Vinh vừa nhậm chức chưa đầy một tháng nhưng chịu khó tìm tòi và đã đưa những hình ảnh hết sức sinh động về phố cổ Háng Ngầu lên trang Facebook cá nhân, thu hút hàng ngàn lượt người xem, chia sẻ chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Theo ông Vinh, trong các làng cổ ở Lạng Sơn thì Háng Ngầu có nét riêng biệt với dãy nhà trình tường. Các gian phòng ở đây tạo không gian thoáng nhưng ấm áp, liên hoàn. Ðặc biệt, phố còn có nghề làm cao khô thơm ngon nức tiếng xa gần.

Bừng lên sắc màu dân tộc

Ðộc đáo phố cổ Háng Ngầu ảnh 1 Bình yên phố cổ Háng Ngầu. Ảnh: Duy Chiến
Háng Ngầu thuộc xã Tân Liên, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn chừng  10km về phía Ðông Bắc. Trong nắng mới, hai dãy nhà quay mặt vào nhau, đan xen gần chục ngôi nhà trình tường cổ.

Tương truyền, xưa kia mảnh đất này trù phú nhưng hoang vu, là nơi các lái trâu người Hoa ở mạn Văn An (huyện Chi Lăng), Văn Mộng (huyện Lộc Bình) đem hàng qua sông Kỳ Cùng bán tại phố chợ Kỳ Lừa, Gia Cát. Một bận, do lũ dâng cao nhiều ngày, các thương lái phải buộc trâu vào các lùm cây tre bên mảnh đất rộng để mọi người đến xem, mặc cả, buôn bán và dần dần nơi đây biến thành chợ mua bán trâu nổi tiếng xứ Lạng. Sau đó, một số người đã chọn đất làm nhà, lập đền thờ. Người dân đặt tên là Háng Ngầu (nghĩa là mua bán trâu). 

Ông Hoàng Thế Vinh giới thiệu: Theo phong tục, tập quán của người Nùng ở địa phương, dân Háng Ngầu thường chọn vị trí dựng nhà ở sườn đồi, ở khu vực có nhiều cây cối, theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có nhiều cây xanh thường không bị sạt lở đất. Theo phong thuỷ, nhà nên hướng về phía Nam, nơi có cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi lại ấm áp.

Ðón chúng tôi ở đầu thôn, ông Chu Văn Lẳn (SN 1961), Phó thôn An Dinh, xã Tân Liên cho biết: Mới đây, tỉnh cho nhập thêm một thôn, mang tên mới là An Dinh, nhưng người dân vẫn gọi bằng cái tên thân mật lưu truyền từ xưa: Phố Háng Ngầu. Nơi đây hiện có 50 nóc nhà với khoảng 240 người dân tộc Nùng sống quần cư nhiều thế kỷ.

Ông Lằn dẫn chúng tôi đến gia đình bà Hoàng Thị Bắc (SN 1979), nhà ngay đầu thôn. Ngôi nhà làm bằng đất dầy cộp, thoáng mát, nổi bật với mái ngói sẫm, thân nhà được phết chặt đất sét màu nâu vàng. Ông Lằn giới thiệu, nhà trình tường được xây hoàn toàn với các loại vật liệu tại chỗ, bằng đất, cây cỏ, rơm rạ và lợp ngói âm dương. “Móng nhà trình tường được xếp đá khít nên chịu lực và chắc chắn. Làm tường trình phải có 7 lần đất đổ vào khuôn, làm hết lớp này thì làm lớp khác dày từ 50-70 cm. Trụ nhà ở bốn góc là bốn cây gỗ to chịu lực cho cả ngôi nhà. Hệ thống xà ngang, xà dọc tạo thành khối vững chắc đỡ cho mái nhà. Nhà làm theo kiểu này có kết cấu bền vững, tiết kiệm, ấm về mùa đông và mát về mùa hè”. Ông Lằn hào hứng giới thiệu.

Nhà không khóa

Ông Phó thôn tự tay đẩy hai cánh cửa mở toang rồi dẫn chúng tôi bước vào trong nhà bà Bắc. Tôi thấy, nhà chia làm 2 khu tách biệt gồm khu nhà ở và khu bếp. Ở giữa có khoảng không thông lên trời xanh, gọi là “Thiên Chẩng” (giếng trời), là nơi tiếp nhận ánh sáng cũng như nước mưa. Khi trời mưa, nước chảy vào chum đặt ở giữa, gia chủ tích nước vo gạo, làm cao khô.

Tại gian nhà chính, gia chủ bố trí gian thờ có hai tầng, tầng trên có một bát hương và 7 cái chén, thờ nàng tiên (Phật bà Quan âm bồ tát). Trên bàn thờ có hoa quả, bánh kẹo để sẵn.

Phó thôn giới thiệu với chúng tôi: Tất cả các nhà sống ở Háng Ngầu đều không có khóa cửa. Nhiều nhà mở hoặc chỉ khép cửa khi đi vắng. Ai thích vào chơi, uống nước thì cứ tự nhiên.

“An ninh tại phố cổ Háng Ngầu rất tốt. Người dân thuần tính, thật thà, tốt bụng và đoàn kết. Từ trước đến nay, chưa có ai nghiện ma túy. Xóm làng bình yên, phát triển. Ðầu năm nay, lực lượng đoàn viên thanh niên thực hiện chương trình “Thắp sáng đường thôn”. Có điện sáng xuyên đêm nên các loại xe mô tô, dụng cụ phương tiện lao động sản xuất, người dân để trước cửa qua đêm mà không hề hấn, mất mát gì”. Ông Lằn khẳng định.

Ðặc sản cao khô

Ðộc đáo phố cổ Háng Ngầu ảnh 2 Ông Viên phấn khởi giới thiệu thành phẩm cao khô đặc sản. Ảnh: Duy Chiến

Bây giờ ở Háng Ngầu không còn cảnh bán trâu tấp nập như xưa, nhưng tại khu phố cổ này lại phát triển nghề tráng bánh cao khô.

Ông Lý A Viên (SN 1962, nhà ở giữa phố) đang thoăn thoắt cột những bó cao khô trắng tinh bằng những dây lạt tre, rồi cho 10 bó vào từng túi bóng. Ông phấn khởi nói với chúng tôi: “Có người điện đến đặt ăn Tết Nguyên đán. Họ lấy 200 bó cao với giá 2 ngàn đồng/bó”.

Gia chủ xởi lởi dẫn chúng tôi vào sâu trong bếp, giới thiệu: Cao khô Háng Ngầu làm bằng gạo bao thai hoặc gạo đoàn kết. Gạo sau khi vo rửa sạch, sẽ được xát thành bột mịn. “Cao khô địa phương hoàn toàn làm thủ công, bằng sức người. Làm cao phải mất 3 ngày kỳ công trong việc chọn lựa kỹ từ loại gạo hạt nhỏ trắng, đều, tròn cho đến công đoạn xát bột, pha nước theo tỷ lệ nhất định. Sau đó tráng bánh, phơi nắng cho khô, ngâm ủ nước sạch nửa ngày rồi mới thái mỏng ra từng sợi nhỏ, dài”. Ông Viên kể.

Mùa hè nắng to, người dân tranh thủ làm nhiều cao khô vì cao phơi nắng thơm hơn. Những sợi cao khô cuộn lại thành một bó hình tròn hai lớp như hai hình tròn đồng tâm, có chiều cao 5 - 5,5cm, đường kính 10 - 11cm, được buộc bằng lạt tre nhỏ. Vì là sản phẩm khô nên dễ bảo quản, đóng gói, thời gian bảo quản có thể đến 6 tháng.

Phó giám đốc Hoàng Thế Vinh nhận xét: Cao Háng Ngầu có vị thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm, không bị nát, đứt sợi và đặc biệt là hàm lượng dinh dưỡng nguyên chất rất tốt cho người già, trẻ em và người lao động. Cao khô có thể kết hợp ăn với các món ở xứ Lạng như: Xào rau bò khai, nhúng lẩu, ăn rất tuyệt vời.

Theo ông Viên, trung bình một tuần, ông làm 2 mẻ cao, mỗi mẻ cho thu nhập trên 300 ngàn đồng. Mặc dù vất vả nhưng gia đình ông và 6, 7 hộ khác ở phố cổ Háng Ngầu vẫn duy trì và phát triển nghề làm cao đặc sản này.

 

"Hàng trăm năm trôi qua, nhiều ngôi nhà trình tường của đồng bào Nùng ở Lạng Sơn tồn tại vững chãi mà vẫn giữ được vẻ đơn sơ, mộc mạc. Rất nhiều khách du lịch, nhà nhiếp ảnh, quay phim đến thăm quan ghi lại hình ảnh những nếp nhà độc đáo, khác lạ và nét đẹp văn hoá cổ xưa khi tết đến, xuân về". Ông Hoàng Thế Vinh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.