Độc đáo Lễ hội áo dài

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lễ Hội Áo dài TPHCM lần thứ 8 đã chính thức khai mạc tối 5/3 tại đường Nguyễn Huệ (Quận 1 TPHCM). Với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, dịp này, phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên Tượng đài Hồ Chí Minh trở thành không gian văn hoá của áo dài với hàng ngàn chiếc áo dài hiện diện (lễ hội kéo dài tới hết tháng 4).

Áo dài lên ngôi

Trong đêm khai mạc, công chúng tại đường Nguyễn Huệ đã được thưởng lãm gần 600 bộ áo dài với sự tham gia biểu diễn của gần 200 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu cùng với gia đình… qua nhiều bộ sưu tập đặc sắc như: “Áo dài công nghệ Thành phố thông minh” của nhà thiết kế (NTK) Việt Hùng, “Giấc mơ” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam, “Áo dài thiếu nhi thế giới bên em” của NTK Tạ Linh Nhân, “Sức sống mới” của NTK Sĩ Hoàng và Mai Thanh Duy, “Thành phố ngày mới” của NTK Trisha Võ, “Mộng Thiên Đường” của NTK Trung Đinh…

Độc đáo Lễ hội áo dài ảnh 1

Các nghệ sỹ giới thiệu áo dài trên sân khấu

Đặc biệt hơn, chương trình còn có sự tham gia biểu diễn của các nữ y bác sĩ bệnh viện Quân y 175, các nữ doanh nhân thuộc Hội Doanh nhân TPHCM, các phu nhân đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam ở các nước, trong đó có rất nhiều phụ nữ là những người đã trực tiếp tham gia, đóng góp và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TPHCM trong thời gian qua. Nhiều khách xem cũng ủng hộ Lễ hội bằng tà áo dài của mình.

“Lễ hội Áo dài năm 2022 cũng là minh chứng sinh động cho nội lực, sức sống mãnh liệt, sự đồng lòng, tinh thần sẵn sàng và niềm tin ở tương lai của TPHCM. Lễ hội còn khẳng định sự trở lại mạnh mẽ và nhanh chóng của ngành du lịch Thành phố, bồi đắp thêm niềm tin về sự thành công của ngành du lịch trong hành trình xây dựng TPHCM trở thành Đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng

Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Lễ hội Áo dài là một trong những ý tưởng đẹp, sáng tạo của ngành Du lịch cùng ngành Văn hóa và Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Lễ hội không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp sức giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa niềm tự hào về vẻ đẹp của chiếc ào dài truyền thống Việt Nam, qua đó quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, của các người thợ và công chúng trong việc đưa áo dài vào trong sinh hoạt đời thường.

Ngay sau Lễ khai mạc, Lễ hội Áo dài sẽ tiếp tục chuỗi hoạt động: Diễu hành áo dài chủ đề “Khát vọng hòa bình” cùng với sự tham gia của hơn 2.000 người, Chương trình nghệ thuật trình diễn các bộ sưu tập áo dài chủ đề “Áo dài ơi”; Cuộc thi “Duyên dáng Áo dài TPHCM” năm 2022; Cuộc thi trang phục áo dài online; Cuộc vận động thiết kế mẫu áo dài với chủ đề “Áo dài ra thế giới”; Cuộc thi vẽ và trang trí trên áo dài với chủ đề “Áo dài và hoa”.

Truyền cảm hứng

Lễ hội áo dài năm nay còn có nhiều chương trình nhằm truyền cảm hứng về áo dài cho du khách, học sinh, sinh viên, người dân thành phố… Phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là Không gian Áo dài với những hoạt động biểu diễn trang phục áo dài cùng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như Quan họ, Ví giặm, Đờn ca tài tử... Theo BTC, chương trình nhằm giới thiệu vẻ đẹp của áo dài đã song hành cùng với nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật truyền thống, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của áo dài và di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại Việt Nam.

Độc đáo Lễ hội áo dài ảnh 2

Nhiều thế hệ cùng trình diễn áo dài

Bảo tàng phụ nữ Nam bộ tổ chức khu trưng bày chuyên đề “Áo dài-nhân vật và sự kiện” với việc trưng bày, giới thiệu các bộ áo dài gắn với người phụ nữ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tổ chức triển lãm ảnh “Áo dài xưa và nay” với hơn 70 ảnh tư liệu về áo dài Việt Nam từ đầu thế kỷ 19 đến nay; nhận may đo áo dài theo các mẫu áo dài cổ, mẫu áo dài thiết kế mới nhất với mức giá ưu đãi.

Còn tại Bảo tàng Áo dài của NTK Sỹ Hoàng, trong tháng 3 và tháng 4 sẽ có các hoạt động triển lãm “Áo dài và cội nguồn” của các nhân vật nữ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, y tế, văn hóa; Triển lãm bộ sưu tập áo dài màu hồng chủ đề “Hạnh Phúc”; trưng bày áo dài với các chuyên đề “Lịch sử Áo dài”, “Áo dài hội nhập”… Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm. Chính vì thế, quảng bá cho vẻ đẹp chiếc áo dài chính là quảng bá vẻ đẹp của văn hoá và con người Việt Nam.

Các doanh nghiệp lữ hành đã bổ sung các tua du lịch mới có nội dung gắn với Lễ hội Áo dài, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng lễ hội, gồm giảm giá tua, tặng hoặc bán bộ quà tặng; các điểm du lịch như Suối Tiên, Đầm Sen, Bảo tàng Áo dài... sẽ giảm giá hay miễn phí cho khách trong trang phục áo dài.

MỚI - NÓNG