Doanh nhân 'hoang dã'

Doanh nhân 'hoang dã'
TP - Doanh nhân bây giờ là ai, gương mặt thật là gì? Tôi giờ mỗi ngày phải tự hỏi mà chưa thể trả lời. Doanh nhân có tiếng nọ vừa bị khởi tố về hành vi “lừa dối khách hàng”.

 Vì ông biến phần diện tích vốn quy hoạch để làm hạ tầng kỹ thuật, trung tâm thương mại dành cho cư dân chung cư thành căn hộ để bán. Tức là ăn vào phần không gian chung của mọi người. Rất nhiều tòa chung cư khổng lồ của ông này tại Hà Nội và các tỉnh đều như vậy. Vi phạm quy hoạch nên người mua căn hộ không được cơ quan nhà nước cấp sổ là đương nhiên.

Nhưng điều tôi không thể hiểu, là cũng chính ông doanh nhân này từ nhiều năm trước vẫn “lọ mọ” tìm những trường hợp sinh viên nghèo để trực tiếp gọi điện, hỏi địa chỉ cho tiền giúp đến trường. Và thỉnh thoảng đọc thấy đâu đó trên mạng nhân viên cũ và mới khen ông “có tấm lòng” với quê hương, với mọi người...

Ai đó nói rằng doanh nhân bây giờ làm từ thiện đầy. Ừ thì là vậy, nhưng những trường hợp thế này không dễ lý giải một cách đơn thuần. 

Tất nhiên vẫn đang có vô vàn những doanh nghiệp khốn khổ mỗi khi đi xin một mẩu giấy phép con con. Vẫn rất nhiều những doanh nhân bị mọi thứ cơ quan quyền lực từ phường xã trở đi hành cho ra bã. Thấp cổ bé họng, không có quan hệ không thế lực “chống lưng”, chỉ biết trần thân ra cày để đóng thuế từng đồng. Thì không ít những doanh nhân vào ra chốn công quyền như chỗ không người, phẩy tay là có hàng trăm hàng ngàn hecta đất, khởi công dự án mà chưa cần giấy phép, không cần soát xét tác động môi trường… Sai phạm tung hoành khắp nơi vẫn không bị ai “sờ” đến, dù báo chí nói rát hơi bỏng cổ. Những doanh nhân “hoang dã” giữa nền kinh tế thị trường pha trộn nhiều yếu tố hoang dã.

Cuối cùng thì tối qua tại Hà Nội, cuộc tôn vinh “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam” cùng vô số các Nữ hoàng văn hóa tâm linh, Nữ hoàng dệt may, Nữ hoàng thủy sản,… đã phải hoãn. Những “nữ hoàng”, “á hoàng”, “nam vương” được vinh danh nhan nhản (bằng tiền) ấy, thực chất là ai? Là doanh nhân, showbiz, hay chỉ là những kẻ háo danh? Chất hoang dã, tùy tiện không chỉ từ những thứ danh xưng ấy, mà đáng nói là bản chất hoạt động kinh doanh của không ít những doanh nghiệp đằng sau nó.

“Một con lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ dàng hơn một người giàu đến được nước Chúa”. Dẫn câu này từ Kinh thánh, Alan Greenspan nhằm hướng đến lý giải cuộc phân rẽ, giằng xé giữa làm giàu bằng mọi giá, với đạo đức nguyên thủy. Nhất là trong một xã hội mà hệ thống phúc lợi ít ỏi tương phản gay gắt với những thứ thặng dư tư bản (hoang dã) “khủng” có được từ những quan chức “có đặc ân để ban phát, hoặc có được cái gì đó để bán”.

Thứ đặc ân để ban phát/để bán ấy, được vị cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan trong cuốn sách “Kỷ nguyên hỗn loạn” nổi tiếng của mình, gọi là “tham nhũng”.

MỚI - NÓNG