Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong quý II năm nay, các doanh nghiệp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu. Đến quý III, có 83.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn và lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn xuống mức 61.000 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm 2023.

Đáo hạn hàng chục ngàn tỷ

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, áp lực đáo hạn trái phiếu hạ nhiệt trong quý I nhưng lại tăng mạnh trong quý II và quý III. Cụ thể, trong quý II sẽ có hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, cao hơn 127% so với quý I.

Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn.

Đến quý III, VNDirect ước tính có 83.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Sau giai đoạn thách thức này, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ giảm về mức 61.000 tỷ đồng trong quý cuối cùng của 2023.

Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu ảnh 1

Bất động sản vẫn là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II.

Theo VNDirect, với một số quy định nới lỏng cho hoạt động phát hành của Nghị định 08, trong thời gian tới vẫn có những đợt phát hành riêng lẻ với mục đích cơ cấu nợ nội bộ giống như những đợt phát hành của một số doanh nghiệp thực hiện cuối tháng 3/2023.

Tuy nhiên, để thị trường có thể phục hồi bền vững thì cần phải có thêm những giải pháp đồng bộ khác để khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư và giải quyết được vấn đề mất thanh khoản như hiện nay của thị trường.

Các giải pháp được VNDirect đề cập là các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền. Cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xem xét nới lỏng các điều kiện để cho phép các định chế tài chính lớn (bao gồm các ngân hàng) có thể tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp với vai trò tạo thanh khoản trên thị trường, đồng thời cho phép các ngân hàng phát triển các hình thức bảo lãnh thanh toán để dần khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.

Theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đến ngày 5/3, đã có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng, chiếm gần 12% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó, riêng nhóm các doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán đã chiếm 10% dư nợ toàn hệ thống.

Đua nhau gia hạn

Sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đua nhau gia hạn thêm thời gian trả lãi, nợ gốc trái phiếu. Cụ thể, Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) được gia hạn ngày đáo hạn đối với lô trái phiếu NVLH2124002 và NVLH2224006 sau khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ.

Theo đó, lô trái phiếu NVLH2124002 được gia hạn ngày đáo hạn thêm 1 năm, còn lô trái phiếu NVLH2224006 sẽ được gia hạn ngày đáo hạn thêm 2 năm. Đây là lần đầu tiên Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.

Cụ thể, với lô trái phiếu NVLH2124002 phát hành ngày 26/4/2021, Novaland đạt thỏa thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 1 năm, đến ngày 26/4/2025. Tiền gốc trái phiếu sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn sau khi điều chỉnh. Sau điều chỉnh thời gian đáo hạn, lãi suất cố định của lô trái phiếu là 11,5%/năm. Toàn bộ tiền lãi trong thời gian điều chỉnh ngày đáo hạn sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn.

Tại thời điểm phát hành, lô trái phiếu có giá trị 250 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, trái chủ là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ngày đáo hạn là 26/4/2024, lãi suất cố định 10,5%/năm và thanh toán lãi 6 tháng/lần. Người đại diện sở hữu lô trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).

Doanh nghiệp sắp phải đáo hạn hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu ảnh 2

Khách hàng tìm hiểu thông tin một dự án của Novaland.

Trong khi đó, lô trái phiếu NVLH2224006 được phát hành vào ngày 15/3/2022, hoàn tất phát hành vào ngày 13/6/2022. Thời gian đáo hạn lô trái phiếu này được gia hạn thêm 2 năm, đến ngày 15/3/2026. Tiền gốc trái phiếu sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn sau khi điều chỉnh.

Sau điều chỉnh thời gian đáo hạn, lãi suất cố định của lô trái phiếu là 11,5%/năm, toàn bộ tiền lãi trong thời gian điều chỉnh ngày đáo hạn sẽ được thanh toán vào ngày đáo hạn.

Lô trái phiếu NVLH2124006 có tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất cố định 10,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn vào ngày 15/3/2024. Như vậy, trong thời gian gia hạn, lãi suất của 2 lô trái phiếu này là 11,5%/năm, cao hơn lãi suất cố định trước đây (10,5%).

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Tiến Phước cũng gia hạn thời đáo hạn của 2 lô trái phiếu. Trong đó, lô trái phiếu GTPCH2123001 được gia hạn thời gian đáo hạn từ ngày 25/3/2023 sang ngày 25/3/2025, kéo dài thêm 2 năm. Lô trái phiếu GTPCH2123002 được gia hạn thời gian đáo hạn từ ngày 6/4/2023 sang ngày 6/4/2025, gia hạn thêm 2 năm.

Lô trái phiếu GTPCH2123001 được phát hành ngày 25/3/2021, kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 300 tỷ đồng, lãi suất ban đầu là 9,5%/năm. Còn lô trái phiếu GTPCH2123002 được phát hành ngày 6/4/2021, kỳ hạn 36 tháng với mệnh giá 200 tỷ đồng, lãi suất ban đầu là 9,5%/năm.

Mục đích huy động vốn là để tăng phần vốn góp tại Công ty TNHH SGS nhằm thực hiện đầu tư dự án Châu Pha Parkways, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cả hai lô trái phiếu nói trên đều có tài sản đảm bảo bao gồm 20 triệu cổ phiếu Công ty CP Bất động sản Tiến Phước, quyền sử dụng đất tại biệt thự 61H thuộc sở hữu của bên liên quan, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại biệt thự 61 thuộc sở hữu của bên liên quan và các tài sản đảm bảo khác.

MỚI - NÓNG