Chia sẻ tại tọa đàm “Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt”, do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 25/11, ông Chu Việt Cường, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Công nghiệp (Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam triển khai nhiều hoạt động cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số.
Cụ thể, Cục Công nghiệp, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp đã phối hợp với các doanh nghiệp FDI hàng đầu như Samsung, Toyota,… hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất và cũng phối hợp cùng với các tập đoàn trên để đào tạo ra các đội ngũ chuyên gia về tư vấn chuyển đổi số. Kết quả, trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 chương trình hợp tác đã đào tạo được 124 chuyên gia về chuyển đổi số. Riêng việc phối hợp với Tập đoàn Samsung đã hỗ trợ 36 doanh nghiệp ở phía Bắc áp dụng mô hình nhà máy sản xuất thông minh.
Các đại biểu tham gia tọa đàm |
Ông Trần Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gia công và xuất nhập khẩu Hanel (Hanel PT) cho biết, Hanel PT đã có 24 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử cho các đối tác FDI tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Với doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, nhu cầu về chuyển đổi số là rất cấp thiết. Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chuyển đổi số và sản xuất thông minh đã trở thành nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp cần hướng tới. Nếu như thiếu việc sản xuất thông minh cũng như ứng dụng các kỹ thuật IoT và quản trị dữ liệu doanh nghiệp tập trung, rất khó để có thể cạnh tranh và tạo được hiệu quả trong quá trình quản trị doanh nghiệp.
“Từ những năm 2010 chúng tôi đã đầu tư một số tiền rất lớn vào những hệ thống về quản trị dữ liệu doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình hướng tới việc sản xuất tập trung, tự động hóa thông minh hơn. Chúng tôi đã nâng được tỷ lệ tự động hóa trong nhà máy lên được 60% và tỉ lệ lắp ráp bằng tay chỉ còn 40%. Sau khi chúng tôi thay đổi từ giai đoạn 2016 - 2017 cho đến năm 2024, chúng tôi đã có thể tăng trưởng 300% về doanh số”, ông Tùng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Minh, Quản lý dự án, Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings cho biết, công ty từng tham gia dự án “Hợp tác phát triển nhà máy thông minh”của Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam hỗ trợ. Hai năm qua, công ty đã triển khai hiệu quả nền tảng số vào các hoạt động sản xuất, từ đầu vào vật liệu đến phần kho, sản xuất trên từng máy… Hiện công ty có thể quản lý việc xuất hàng, sản phẩm này vào thời điểm nào, cho khách hàng nào, với số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào…
“Chúng tôi gặp được đúng chương trình của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Samsung thực hiện thì đã làm rõ được những vấn đề bối rối bắt đầu như thế nào và bắt đầu từ đâu”, ông Minh nói.
Theo ông Cường, để chuyển đổi số thành công, cơ hội thì rất nhiều nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Cơ hội là các doanh nghiệp sẽ đi tắt, đón đầu, nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để phục vụ công tác chuyển đổi số. Còn thách thức là về ý chí của lãnh đạo, về công nghệ và về hạ tầng kỹ thuật, về con người và các mối quan hệ quốc tế. Để có thể nắm bắt được các xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến như Big Data, IoT,…
Để chuyển dịch sang sản xuất thông minh, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn về tài chính, về quyết tâm và cả về con người |
Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ về tài chính
Theo ông Tùng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và sản xuất thông minh, doanh nghiệp cần những nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các bên liên quan rất nhiều. Cục Công nghiệp cũng như Chính phủ cũng đang có các chương trình hỗ trợ về mặt tài chính, đào tạo, tuy nhiên doanh nghiệp cũng đề nghị cần cụ thể hoá hơn, làm sao đơn giản hoá hơn. Cụ thể, liên quan đến hỗ trợ về tài chính, doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận với các gói tài chính, vay vốn với các lãi suất ưu đãi tốt, cũng như làm sao để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản hoá các quy trình, thủ tục xin hỗ trợ. Hay là cũng có những nguồn ngân sách từ hỗ trợ phát triển R&D.
“Rất mong Cục Công nghiệp cũng như Chính phủ sẽ có thêm các chương trình đào tạo để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp cho đội ngũ nhân sự có thể vận hành hiệu quả hơn”, ông Tùng đề xuất.
Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư AMA Holdings cũng mong Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và có những giải pháp hỗ trợ thông qua kết nối giữa các doanh nghiệp. Cùng đó, Chính phủ có thể đưa những các chính sách hỗ trợ cho một nhóm, một hệ thống để doanh nghiệp có được sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Về hỗ trợ của Bộ Công Thương trong thúc đẩy sản xuất thông minh, đáp ứng xu thế của chuỗi sản xuất toàn cầu trong thời gian tới, theo Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về chuyển đổi số như nghiên cứu, rà soát, đề xuất và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số.
Cụ thể, thời gian tới có thể sẽ ban hành chương trình hỗ trợ sản xuất công nghiệp hướng tới áp dụng 4.0 và tiến tới thông qua chuyển đổi số để phát triển nhà máy thông minh cho tới giai đoạn 2030. Cùng đó, bộ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên về chuyển đổi số. Các ban ngành liên quan và địa phương cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu các thủ tục về hành chính, pháp lý để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với chuyển đổi số và nhà máy thông minh nhanh hơn.
“Cũng rất mong các tổ chức tài chính, ngân hàng có những chính sách ưu đãi về thuế, cho vay tín dụng, vay vốn trong thời gian dài hạn hơn và lãi suất thấp hơn. Bản thân các hiệp hội, ngành nghề cũng phải là cầu nối giữa các doanh nghiệp để thông qua đó các doanh nghiệp có thể học hỏi lẫn nhau, áp dụng các mô hình quản lý nhà máy thông minh trong quá trình sản xuất và quản lý”, ông Cường cho hay.
“Ở các doanh nghiệp Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, chúng ta có thể thấy rất nhiều case study, những bài học cả thành công lẫn thất bại. 80% các doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số do quyết định của họ hơi vội vàng khi chưa có một chiến lược hay lộ trình phù hợp", ông Trần Kiên Dũng, Chuyên gia ILO, Giám đốc Công ty TNHH ProfM Việt Nam.