Công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn
Theo Sở Công thương Hải Phòng, giai đoạn 2021-2024, sản xuất công nghiệp trên địa phương đã bám sát chủ trương, chính sách, quy định về phát triển công nghiệp của Chính phủ và thành phố.
Trong đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường. Công nghiệp sẽ đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,9%/năm, cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước.
Đóng góp lớn nhất vào sự phát triển sản xuất công nghiệp là ngành sản xuất sản phẩm điện tử - tin học. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao khác cũng đạt tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp địa phương tăng như: sản xuất sản phẩm từ kim loại, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, xe có động cơ.
Giá trị sản xuất công nghiệp Hải Phòng năm 2023 đạt hơn 895.000 tỷ đồng, gấp 1,53 lần so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp khoảng 13,16%, đứng thứ 9 cả nước, thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng. 10 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp Hải Phòng tăng 14,45% so với cùng kỳ 2023.
Bên trong nhà máy sản xuất ô tô Vinfast, đặt trụ sở tại Hải Phòng. |
Đại diện Sở Công thương Hải Phòng cho biết, thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết, quyết định phát triển công nghiệp, trong đó có nhiều Nghị quyết, Quyết định, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, sản xuất công nghiệp Hải Phòng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp điện tử - tin học; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Ưu tiên ngành sản xuất chất bán dẫn, robot
Trong lĩnh vực sản xuất, thành phố cơ cấu lại công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn. Cơ khí chế tạo ưu tiên phát triển các sản: ô tô, máy móc, phương tiện, thiết bị phục vụ ngành kinh tế biển. Điện tử tin học ưu tiên các sản phẩm điện tử, điện lạnh, công nghiệp công nghệ cao.
Công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, ưu tiên một số ngành công nghiệp mới như: chất bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, năng lượng tái tạo, vật liệu mới.
Giai đoạn 2019-2023, Hải Phòng có khoảng 42-43 doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe có động cơ khác. Đa phần, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, linh kiện phụ kiện phụ trợ ngành sản xuất ô tô.
Một góc khu công nghiệp Tràng Duệ tại huyện An Dương, TP Hải Phòng. |
Một số doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực ô tô như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, Công ty sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam, Công ty TNHH ô tô Hoa Mai,... Các sản phẩm của ngành công nghiệp sản xuất ô tô đã có các sản phẩm ô tô du lịch, ô tô tải nhẹ.
Nhiều doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp sản xuất nhiều trang thiết bị hỗ trợ như: túi khí bảo vệ, tay lái ô tô, bộ dây dẫn điện, linh kiện cho bộ phận tiếp liệu, hệ thống loa ô tô... đạt chất lượng cao.
Một số doanh nghiệp trong nước sản xuất các linh, phụ kiện, cụm chi tiết phục vụ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải với tỷ lệ nội địa hóa đạt 30-45%.
Nhóm ngành sản xuất dệt may - da giày tăng trưởng nhưng không cao, tương đồng với xu hướng tăng trưởng của ngành sản xuất trang phục.
Sản phẩm chủ yếu ngành là sản phẩm xơ, sợi, sản phẩm dệt, may mặc... với phương thức sản xuất chủ yếu theo hình thức hợp tác gia công. Tỷ lệ doanh nghiệp có vốn trong nước sản xuất và xuất khẩu trực tiếp sản phẩm dệt may không cao.