Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) 7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tăng trưởng 9,5%, với điện tử là ngành then chốt. Việt Nam đang nổi lên như điểm sáng trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, và công nghiệp công nghệ cao.
Chia sẻ về cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, Văn phòng TPHCM nhìn nhận, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Theo khảo sát, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 đến 2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2024, vốn đầu tư của Nhật Bản là 1,225 triệu USD, tăng 2,1 lần so với cùng kỳ, trở thành quốc gia đứng thứ 3 về giá trị đầu tư tại Việt Nam (đứng thứ 2 nếu tính cả vốn góp mua cổ phần). Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41,9%, tăng 4,6 điểm so với năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 10 năm đứng thứ hai sau Ấn Độ.
“Tỷ lệ thu mua từ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm đạt 17,2% (tăng 2,2 điểm so với cùng kỳ). Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ “mở rộng” tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình 28,8% của ASEAN”, ông Matsumoto Nobuyuki cho biết.
Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác tại triển lãm ngành Công nghiệp hỗ trợ năm 2023 tại TPHCM. Ảnh: U.Phương |
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, ngày 19/8, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TPHCM thuộc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đơn vị cùng với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và RX Tradex Việt Nam đã ký hợp tác về việc tổ chức “Supporting Industry Show 2024 – Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024” lần thứ 23 tại Việt Nam và lần thứ 12 tại TPHCM.
Triển lãm năm nay tập trung vào việc trình diễn những máy móc công cụ, sáng chế và công nghệ tiên tiến nhất cho ngành công nghiệp hỗ trợ và gia công kim loại, đồng thời thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác.
Đại diện ban tổ chức cho biết, triển lãm năm nay có sự tham gia của 350 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với khu gian hàng Nhật Bản và các khu gian hàng quốc gia khác, với mục tiêu cung cấp cho khách hàng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất ngày càng cao.
Tại triển lãm, sẽ có khoảng 18 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam với tư cách là nhà thu mua cùng 20 doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là nhà cung ứng, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội đàm phán và ký kết hợp tác thương mại giá trị cao cho các bên. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, giúp nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; học hỏi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật và chiến lược từ các đối tác Nhật Bản, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tham gia vào Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024 cũng là một trong những kế hoạch trong chiến lược thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020 – 2025. Theo 3 mục tiêu định hướng phát triển. Đó là hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu; Thu hút doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi công nghệ cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Và cuối cùng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng thay thế nhập khẩu và nâng cao giá trị gia tăng.
Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám Đốc, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, thời gian qua, ITPC đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, các đối tác nước ngoài tại thành phố tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tìm hiểu, kết nối với các đối tác nước ngoài, góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như phục vụ thiết thực các ngành kinh tế khác.
“Triển lãm ngành công nghiệp hỗ trợ 2024 là chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ, là cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận các thiết bị máy móc tiên tiến nhất, cập nhật công nghệ kinh doanh thông minh, khám phá các giải pháp gia công kim loại hiệu quả, cũng như các giải pháp để nâng cấp sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh ở lĩnh vực này tốt hơn trong tương lai” – bà Vân nói.
“Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ 2024” sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4/10/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (quận 7, TPHCM).