Định hình hệ giá trị Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TP - Phát biểu kết luận hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hội thảo cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiệm vụ cấp thiết

Hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học về văn hóa, con người, gia đình tham dự hội thảo quốc gia Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chính thức khai mạc sáng 29/11.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Chỉ đạo dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. Tham dự còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh. Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Hà Nội) và có hai điểm cầu trực tuyến tại Huế và TP.HCM.

Việc tổ chức hội thảo quốc gia căn cứ vào chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật đặc biệt thể hiện rất rõ ở văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hội thảo quốc gia cũng là việc làm cụ thể triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

Trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương điều hành, các đại biểu tập trung làm rõ tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đưa ra những giải pháp để đưa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. GS.TS. Hồ Sĩ Quý nêu quan điểm, xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là nhiệm vụ không thể tách rời với xây dựng hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia.

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo lắng rằng về tình trạng những biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, thiếu nhân văn vẫn tồn tại bởi các khái niệm, quy chuẩn hành xử của con người trong xã hội hiện đại còn nhiều điểm chưa rõ ràng. GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, thực tiễn đang đặt ra một nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa chiến lược là phải xây dựng cho bằng được các giá trị văn hóa của quốc gia, dân tộc, của con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, để đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong xã hội.

PGS.TS. Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng chất lượng việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, gây nên nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Giá trị cần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng

Từ đầu cầu TP.HCM, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tình với quan điểm của PGS.TS Trần Quốc Toản về việc kết hợp giá trị hiện đang tồn tại và các giá trị mục tiêu, khát vọng hướng tới. Ông đề xuất xây dựng tối đa ba giá trị trong mỗi hệ giá trị, để tổng thể không tạo nên con số quá nhiều. Có như vậy ai cũng có thể nhớ được, ai cũng có thể vận dụng được.

“Sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước không thể thành công nếu không có những con người, và nhân lực tương ứng. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, hệ giá trị. Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần, rất quan trọng, rất có ý nghĩa, cần được ra đời sớm, định hướng cho tất cả các quá trình chuyển đổi, từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay”, ông Lương Đình Hải đề xuất.

Đồng quan điểm với ông Lương Đình Hải, nhiều chuyên gia cho rằng cần có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Ông Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM đề xuất, cần cụ thể hóa hệ chuẩn mực con người Việt Nam bằng cách xây dựng luật, quy ước cộng đồng, gắn hệ chuẩn mực gia đình với văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh… Ông cho rằng cần nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế và phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn…

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu tán đồng việc phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình vững chắc. Đại diện của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thẳng thắn nêu thực trạng “gia đình phân ly” trong thời bình. Những câu chuyện đau lòng của vụ ba con gái tẩm xăng đốt nhà mẹ đẻ, việc bạo hành con trẻ tới mức tử vong... cho thấy sự đứt gãy giá trị gia đình, thiếu vắng sự giáo dục từ trong gia đình.

PGS.TS Đặng Thị Hoa, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, phải đảm bảo yếu tố tiến bộ và văn minh trong quan hệ gia đình, vợ chồng để mối quan hệ gia đình được vun đắp bền vững, tốt đẹp và mỗi thành viên gia đình cảm thấy vui vẻ, ấm áp, phát huy hết các khả năng cá nhân. “Giá trị bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình được đề cao trong mọi công việc, như làm việc nhà, nuôi dạy và chăm sóc con, kinh tế và thu nhập, nghĩa vụ và trách nhiệm với người thân, cũng như hoạt động đối ngoại của gia đình. Cần gạt bỏ sự bất bình đẳng về thái độ đối với việc ngoại tình giữa nam giới và nữ giới”, PGS.TS Đặng Thị Hoa nhấn mạnh.

Hệ giá trị Việt Nam - sức mạnh mềm

Định hình hệ giá trị Việt Nam ảnh 1

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tham quan triển lãm sách tại hội thảo Ảnh: KỲ SƠN

Gia đình, con người luôn nằm trong mối quan hệ với giá trị văn hóa quốc gia. Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh lấy chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác. Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.

Hệ giá trị Việt Nam (bao gồm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đây là định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, hệ giá trị văn hóa, quốc gia được coi như sức mạnh mềm để xây dựng đất nước, xã hội trong thời kỳ mới. Những giá trị này đã hình thành trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, biểu hiện ở lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường. Giờ là lúc cụ thể hóa, chính thức định hình những yếu tố đó trở thành hệ giá trị Việt Nam.

Một số đề xuất giá trị của các hệ giá trị cần được bàn thảo, nghiên cứu:

Hệ giá trị quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị con người: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

“Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc. Hệ giá trị quốc gia là hệ giá trị nền tảng, tiên quyết, chi phối các hệ giá trị khác”, GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam nhấn mạnh. GS. TS. Từ Thị Loan cho rằng, văn hóa mang giá trị rất lớn, có khả năng điều tiết các hoạt động kinh tế- xã hội.

Định hình hệ giá trị Việt Nam ảnh 2

Các đại biểu thảo luận tại đầu cầu Hà Nội

Để giữ gìn và phát huy hệ giá trị Việt Nam đậm đà tính dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn đưa đề xuất xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị, xem xét hệ giá trị văn hóa Việt Nam trên các chiều cạnh của bối cảnh trong nước và quốc tế. “Việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại như: coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, đề cao sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người”, ông nói.

Về quan điểm lựa chọn các giá trị tạo thành hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, PGS.TS. Trần Quốc Toản, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, hệ giá trị quốc gia cần phải bao gồm cả các giá trị đang tồn tại và các giá trị mục tiêu, khát vọng hướng tới.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Hội nghị thành công tốt đẹp sau hai phiên làm việc nghiêm túc, khẩn trương. Hội thảo mở ra phương hướng xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới.

Giải pháp trọng tâm phát triển các hệ giá trị quốc gia

Phát biểu kết luận, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, kết quả của Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh những kết quả ấy chỉ thành công khi được hiện thực hóa trong đời sống của nhân dân, đảm bảo sự thống nhất cao giữa “ý Đảng - lòng dân”.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới để phát triển các hệ giá trị quốc gia, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương.

Thứ tư, lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ VHTTDL, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị được đề cập tại hội thảo.

NGỌC ÁNH

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.