Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở quận 'lõi' Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với diện tích là 5,28 km2 gồm hai khu vực phố cổ và phố cũ, Hoàn Kiếm đang nắm giữ nhiều lợi thế trong kế hoạch phát triển của Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lập quy hoạch chi tiết từng khu vực để bảo tồn

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, quận Hoàn Kiếm có 4 khu vực quy hoạch, gồm:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở quận 'lõi' Thủ đô ảnh 1

Không gian tiền điện của Hội quán sau khi được phục dựng. ảnh: Duy phạm

Khu phố cổ Hà Nội, diện tích khoảng 82 ha được xếp hạng là di tích Quốc gia, thực hiện theo quy hoạch phân khu H1-1A; Khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận có diện tích 63,72ha, được xếp hạng là di tích Quốc gia Đặc biệt, thực hiện theo QHPK khu vực H1-1B; Khu phố cũ quận Hoàn Kiếm, diện tích 202,8 ha, thực hiện theo quy hoạch phân khu H1-1C; Khu ngoài đê sông Hồng, diện tích 177,7 ha, thực hiện theo quy hoạch phân khu sông Hồng với tỷ lệ 1/5000.

Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các sở, ngành thành phố rà soát, cập nhật các định hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn quận trong quá trình lập quy hoạch phân khu H1-1(A, B, C); Tổ chức lập Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc tại khu phố cổ Hà Nội và Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Tổ chức quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng theo các Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đã được ban hành. Tập trung triển khai cải tạo các di tích lịch sử văn hóa (đình, đền, chùa,... trong giai đoạn 2008-2021 đã GPMB 87 hộ, 356 nhân khẩu để tu bổ di tích), các công trình kiến trúc có giá trị được quảng bá; dành nguồn lực cải tạo, chỉnh trang, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc cảnh quan của danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố chính; Cải tạo vườn hoa, trồng mới cây xanh đô thị, cải tạo mặt hè, thoát nước, hạ ngầm toàn bộ đường dây đi nổi trên địa bàn quận; Cải tạo các công trình có giá trị kiến trúc xây dựng trước năm 1954, các công trình biệt thự; bổ sung chiếu sáng các công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu; Phối hợp với Viện PRX- vùng Ile de France Pháp để cải tạo chỉnh trang các không gian công cộng và các công trình phục vụ kinh doanh thương mại, nhà hát lớn, phố Tràng Tiền…

Đặc biệt là tổ chức thành công các không gian đi bộ trong khu phố cổ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được nhân dân, du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô. Đây là sản phẩm văn hóa đặc biệt, phát huy đồng thời hiệu quả các giá trị cảnh quan mặt nước, cây xanh hồ Hoàn Kiếm, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Việc tổ chức các không gian đi bộ đã góp phần tăng không gian sinh hoạt cộng đồng tạo thói quen, hạn chế phương tiện cơ giới, hình thành nếp sống mới của người dân thủ đô, số lượng cửa hàng chuyển sang phục vụ cho dịch vụ du lịch tăng 600 cơ sở, lượng du khách đến tham quan tăng nhanh; thu ngân sách nước trên địa bàn quận năm sau luôn cao hơn năm trước.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở quận 'lõi' Thủ đô ảnh 2

Diện mạo mới của di tích đình - đền Vũ Thạch sau tu bổ, tôn tạo. ảnh: Duy phạm

Cùng với việc lập Quy hoạch được nghiên cứu kỹ lưỡng với mục tiêu, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghiên cứu xây dựng các không gian văn hóa, không gian sáng tạo, khôi phục các hoạt động lễ hội nghề truyền thống, chỉnh trang kiến trúc cảnh quan đô thị, gìn giữ các công trình di sản bảo tồn phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, thu hút và tạo điều kiện tốt nhất đối với văn nghệ sĩ, người làm nghệ thuật được tiếp cận với công chúng thu hút du khách.

UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với quỹ văn hóa Hàn Quốc Korea Foundation và UN-Habitat ra mắt không gian bích họa phố Phùng Hưng năm 2018; phối hợp với các tổ chức xã hội cải tạo không gian tuyến bờ vở sông Hồng thuộc tổ 16, phường Phúc Tân thành một sân chơi cộng đồng cho bà con. Hiện nay, quận đang tiếp tục triển khai dự án trên tại khu vực bờ vở thuộc phường Chương Dương; tu bổ các di tích lịch sử văn hóa như: Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, chỉnh trang khu vực hồ Hoàn Kiếm, chỉnh trang mặt đứng tuyến phố chính gắn với khu vực Quảng trường... Triển khai Trang thông tin 3600 phục vụ công tác quản lý, quảng bá và giới thiệu các hình ảnh, hoạt động về thương mại, dịch vụ, du lịch và giới thiệu di tích lịch sử văn hóa của quận một cách chân thực, đa dạng và hấp dẫn.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa ở quận 'lõi' Thủ đô ảnh 3

Quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ rước theo nghi lễ truyền thống quanh phố cổ và phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm nhân dịp đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn đền Bạch Mã. ảnh: Duy phạm

Đối với khu vực ngoài đê thuộc hai phường Chương Dương, Phúc Tân, quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành để cập nhật các định hướng phát triển kinh tế xã hội của quận tại khu vực này vào đồ án QHPK sông Hồng như: Tập trung đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng phố Chương Dương Độ; Đề xuất các giải pháp sử dụng đất của các khu nhà gỗ với chức năng bổ sung hạ tầng xã hội trên địa bàn; Cải tạo toàn bộ đường, ngõ, ngách, tăng cường chiếu sáng, cải tạo cống thoát nước, nhà vệ sinh công cộng phục vụ du lịch.

Giải pháp nào để phát huy tối đa sức mạnh?

Bên cạnh kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa của quận còn một số tồn tại, hạn chế, như: Quận còn chưa phát huy hết hiệu quả các thiết chế văn hóa và trung tâm thể thao quận đáp ứng việc tổ chức các giải thi đấu cấp thành phố và quốc gia; Chưa kết nối các di sản văn hóa trên địa bàn quận với các thiết chế văn hóa do trung ương và thành phố quản lý; Nguồn nhân lực chưa có chất lượng tốt phục vụ phát triển văn hóa, du lịch; Phần lớn các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch trên địa bàn quận là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động còn thiếu bài bản, thiếu sự kết nối,...

Để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất một số giải pháp sau:

Tập trung quán triệt, tuyên truyền, để thống nhất trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quận về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy các mối quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tuyên truyền, thông tin đối ngoại về Thủ đô với bạn bè quốc tế.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND thành phố Hà Nội triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với các giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm của quận Hoàn Kiếm nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn hỗ trợ quận, phát triển các không gian sáng tạo, qua đó phát triển du lịch, tạo ra nhiều việc làm cải thiện đời sống của nhân dân thúc đẩy phát triển kinh tế của quận.

Tập trung triển khai hiệu quả đề án 06 của Chính phủ về dữ liệu dân cư và gắn với chương trình chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu lao động. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ nguồn lực xã hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của quận về lịch sử, văn hoá, kinh tế khoa học và công nghệ. Thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; Tập trung giải phóng mặt bằng, cải tạo chung cư cũ, triển khai quy hoạch kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chậm triển khai và đề án giãn dân tại quận. Tạo môi trường thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ. Tập trung cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đào tạo nguồn nhân lực để phát triển kinh tế tri thức, quan tâm năng lực, trình độ thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, người trực tiếp lao động trong các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch của quận.Tiếp thu ý kiến đóng góp từ tầng lớp trí thức, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử để thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch. Chủ động tích cực mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, quận, huyện trong nước.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.