Điều trị từ trong thai kỳ cho trẻ bị khe hở môi vòm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một trong những dị tật hình thể thường gặp ở trẻ là khe hở môi vòm (còn gọi là sứt môi, hở hàm ếch) nhưng khiến nhiều sinh linh bị chấm dứt thai kỳ vì nỗi lo sợ của cha mẹ. Hiện nay, với sự phát triển của y học các bác sĩ có thể phát hiện, theo dõi, hỗ trợ điều trị ngay trong giai đoạn thai kỳ.

Một trong những trường hợp điển hình là bé N.P.A. (2 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM). Trao đổi với phóng viên tại buổi lễ tổng kết phẫu thuật cho 10.000 trẻ bị khe hở môi vòm do Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM tổ chức ngày 26/8, chị L.T.B. (32 tuổi, mẹ bệnh nhi) cho biết: “Khi mang thai được 3 tháng tôi đi khám định kỳ thì bác sĩ cho biết em bé bị khe hở môi vòm. Nghe tin con bị dị tật, vợ chồng tôi rất sốc và lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định giữ lại con và nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ”.

Vợ chồng chị T.B. đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM thăm khám và được các bác sĩ tận tình tư vấn, hỗ trợ điều trị và hướng dẫn các phương án để sẵn sàng đón con chào đời. Khi sinh ra bé có khe hở môi vòm khá lớn ảnh hưởng đến khả năng bú sữa mẹ. Nhờ được chuẩn bị từ trước, gia đình đã chăm sóc tốt giúp bé phát triển bình thường. Ở tháng thứ 4 sau khi chào đời, trẻ đã được bác sĩ phẫu thuật tạo hình khe môi lành lặn như những trẻ khác. Nhìn con bi bô tập nói, người mẹ nghẹn ngào gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ đã đồng hành cùng 2 mẹ con suốt thời gian qua.

Điều trị từ trong thai kỳ cho trẻ bị khe hở môi vòm ảnh 1

Chị B. đã lựa chọn giải pháp hỗ trợ điều trị cho con ngay từ trong thai kỳ, bé gái sau phẫu thuật đã có gương mặt lành lặn

BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy cứ 500 đến 700 trẻ chào đời thì có 1 trẻ bị dị tật khe hở môi vòm. Hơn 1 thập kỷ trước việc chẩn đoán, điều trị sớm cho trẻ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, các bác sĩ có thể chẩn đoán sớm, hỗ trợ điều trị cho cả mẹ và bé ngay từ trong thai kỳ.

Theo BS Đẩu, siêu âm là giải pháp đơn giản có thể phát hiện được tật khe hở môi vòm và các bất thường khác về cấu trúc hàm mặt của thai nhi. Quy trình điều trị toàn diện cho mẹ và bé sẽ được khởi động ngay sau khi chẩn đoán. Cha mẹ cũng sẽ được tư vấn trước những nguy cơ trẻ có thể gặp sau khi chào đời với các rối loạn chức năng dẫn đến nguy cơ khó bú mẹ hoặc bị sặc sữa, nhiễm khuẩn hô hấp, chậm phát triển thể chất, trí tuệ, ngôn ngữ… từ đó có sự chuẩn bị và hỗ trợ kịp thời.

Điều trị từ trong thai kỳ cho trẻ bị khe hở môi vòm ảnh 2

Một bé gái "xinh như thiên thần" sau khi được bác sĩ phẫu thuật tái tạo tật khe môi hở vòm

Sau khi chào đời từ 3 đến 6 tháng tuổi với cân nặng trên 6kg các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật đóng khe hở môi và tạo hình mũi. Trẻ bị khe hở vòm sẽ được phẫu thuật ở giai đoạn 12 đến 18 tháng tuổi với cân nặng trên 10kg. Sau phẫu thuật, trẻ sẽ được theo dõi khả năng nghe và ngôn ngữ, đồng thời hỗ trợ điều trị để có được nụ cười, giọng nói và hình thể thẩm mỹ bình thường.

PGS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, từ năm 2009 đến nay bệnh viện triển khai chương trình điều trị toàn diện cho các cháu mắc dị tật khe môi hở vòm. Sau 12 năm thực hiện đã có 10.000 trẻ được chỉnh sửa khiếm khuyết của tạo hóa, trả lại nụ cười, giọng nói và hòa nhập cộng đồng như bao trẻ khác.

Tiếp nối thành công trên, ngày 26/8 bệnh viện đã chính thức vận hành Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo chăm sóc toàn diện khe hở môi vòm đầu tiên tại TPHCM. Trung tâm được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong phẫu thuật và điều trị khe hở môi vòm an toàn và cải tiến kỹ thuật và đào tạo chuyên môn cho các tỉnh thành khác.

MỚI - NÓNG