Thiếu thuốc, bệnh nhân các tỉnh dồn về Chợ Rẫy đe dọa chất lượng điều trị

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Tất cả các tỉnh đều thiếu thuốc điều trị nên gần như chúng tôi đang gánh chịu những khó khăn từ tuyến dưới. Thuốc và vật tư y tế dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng số lượng bệnh nhân tuyến dưới dồn về quá lớn khiến tỷ lệ sử dụng bị đội lên quá cao, chúng tôi đang cố gắng giải quyết nhưng e ngại quá tải sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”.

Đó là ý kiến phát biểu của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM tại buổi làm việc của quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 25/8.

Thiếu thuốc, bệnh nhân các tỉnh dồn về Chợ Rẫy đe dọa chất lượng điều trị ảnh 1

TS.BS Lê Quốc Hùng (người đứng) nói về vấn đề bệnh nhân dồn về Chợ Rẫy trong buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế

Theo TS Quốc Hùng, năm nay tình hình dịch bệnh nên các bệnh viện trên cả nước đều khó khăn. Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối ở khu vực phía Nam nên thường xuyên nhận khó khăn của các tỉnh. Ông nói: “Tất cả các tỉnh đều thiếu thuốc men nên gần như chúng tôi đang gánh chịu những khó khăn tuyến dưới đẩy lên. Cụ thể như bệnh sốt xuất huyết nặng tăng rất cao, chỉ có 6 tháng đầu năm nhưng đã có tới 650 ca bệnh nặng chuyển đến. Trước đây, chưa bao giờ khoa Bệnh Nhiệt Đới cáng đáng số lượng như thế, trung bình các năm chỉ 300 ca”.

Theo TS Quốc Hùng, trên thực tế, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng ở mức độ sốc, tổn thương ở tuyến dưới có thể giải quyết. Tuy nhiên, do khó khăn, thiếu vật tư nên các tỉnh chuyển bệnh dồn về Chợ Rẫy. Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy dù đã chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, vật tư nhưng số lượng cần sử dụng đội lên quá cao.

“Không chỉ riêng khoa Bệnh Nhiệt Đới mà hầu hết các khoa khác của bệnh viện cũng gặp tình trạng này. Chúng tôi cố gắng giải quyết nhưng e ngại quá tải sẽ ảnh hưởng chất lượng điều trị” – TS.BS Quốc Hùng nhấn mạnh.

Thiếu thuốc, bệnh nhân các tỉnh dồn về Chợ Rẫy đe dọa chất lượng điều trị ảnh 2

Bệnh nhân nhận thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiều 25/8

Cùng với sốt xuất huyết, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong số 41 ca nhập viện thời gian gần đây có hơn 60% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến, trong đó có 21 ca nặng, nguy kịch, tỷ lệ tử vong 30%. Phần lớn bệnh nhân tử vong có độ tuổi trung bình từ 70 trở lên, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoặc tiêm không đủ liều.

Theo dự báo của ngành y tế, nguy cơ dịch COVID-19 có thể gia tăng trở lại trong tháng 10 năm nay. “Chúng tôi đang tập trung nguồn nhân lực thuốc và trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát. Tuy nhiên, với áp lực mà nhân viên y tế đã và đang phải đối mặt nếu dịch bùng phát trở lại nhiều người sẽ dao động, chúng tôi không biết sẽ còn được bao nhiêu người làm” – TS Quốc Hùng lo lắng.

Thiếu thuốc, bệnh nhân các tỉnh dồn về Chợ Rẫy đe dọa chất lượng điều trị ảnh 3

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, vật tư y tế

Trước nguy cơ thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã đề xuất Bộ Y tế cần sớm tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; thực hiện các phương án xã hội hóa, liên doanh, liên kết, máy mượn, máy đặt để bệnh viện có đủ trang thiết bị phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đề xuất sớm thực hiện phương án tính đúng, tính đủ chi phí y tế để có thể tích lũy và phát triển phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã tiếp nhận các ý kiến đề xuất của bệnh viện. Bà nói: “Các bệnh viện phải có đủ thuốc, vật tư để phục vụ người bệnh. Chúng tôi sẽ trình lên Chính phủ tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, cố gắng phối hợp cùng các bộ ngành triển khai việc thanh toán chi phí đối với các máy mượn máy đặt”.

MỚI - NÓNG