Làm việc gì được tính nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm?
Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định, lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước tuổi trên 5 năm, tức nam được nghỉ khi đủ 57 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Theo rà soát sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hơn 1.810 ngành nghề với hơn 3 triệu lao động thuộc nhóm này.
Hiện nhóm công việc, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và đặc biệt nặng nhọc, độc hại được Bộ LĐ-TB&XH ban hành lần đầu năm 1995, sau đó mỗi 2-3 năm được cập nhật bổ sung 1 lần. Thông tư bổ sung gần nhất ban hành năm 2016 (Thông tư 15/2016). Tất cả danh mục này được áp dụng tới nay. Tức những nhóm lao động làm công việc theo các danh mục này sẽ được nghỉ hưu sớm khi nam đủ 57 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Một số công việc như: Vận hành hệ thống khoan dầu khí, sửa chữa giàn khoan; nhân viên thông tin duyên hải; nhân viên vận hành hầm đường bộ; điều độ chạy tàu; vận hành, bảo dưỡng, an toàn lò phản ứng hạt nhân; tuyển, xử lý quặng xạ và đất hiếm; huấn luyện viên và vận động viên leo núi, dù lượn, cử tạ, thể dục dụng cụ; sản xuất thuốc lá; lặn biển; nghề nuôi cá lồng trên biển; thu hoạch cá; nuôi tôm hùm lồng; nấu rót kim loại; hàn điện; xử lý cặn sơn…
Trong dệt may có một số ngành nghề như: Cận hành và cấp nguyên liệu cho máy tách hạt và cán bông; đóng hạt thủ công, xe sợi len; vận hành máy dệt kim, dệt nước; cắt vải; vận chuyển vải sợi trong kho…
Lĩnh vực khai thác mỏ, như: Khai thác mỏ hầm lò, sản xuất vật liệu nổ; sửa chữa cơ điện trong hầm lò; vận tải than trong hầm lò; lấy mẫu, hoá nghiệm phân tích than; khai thác đá thủ công…
Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua, bắt đầu tư năm 2021
Có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm
Riêng với người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài điều kiện về ngành nghề làm việc, người lao động còn có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm, nếu đáp ứng điều kiện về suy giảm khả năng lao động theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Theo Điều 54 Luật BHXH, người lao động được nghỉ hưu và hưởng ương hưu sớm trước 5 năm nếu đã tham gia BHXH từ đủ 20 năm, có từ 15 năm làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
Được nghỉ hưu và hưởng lương khi từ đủ 50 tuổi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Nếu thêm điều kiện suy giảm khả năng lao động, thời gian về hưu có thể sớm hơn. Cụ thể, Điều 55, Luật BHXH cho phép nghỉ hưu sớm có lương nếu đóng BHXH 20 năm, khi:
Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Không cần điều kiện về suy giảm khả năng lao động nếu có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Với các điều kiện trên, theo Luật BHXH hiện hành, tuổi nghỉ hưu mới tăng theo Bộ Luật Lao động sửa đổi, người nghỉ hưu sớm nhất với nữ có thể trước 15 năm, với nam có thể trước 12 năm, và đảm bảo điều kiện tham gia BHXH từ đủ 20 năm.