Sau tăng tuổi hưu nên đồng bộ các chính sách

Người lao động có quyền nghỉ hưu trước tuổi, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi sẽ bị trừ lương hưu được nhận Ảnh minh họa
Người lao động có quyền nghỉ hưu trước tuổi, nhưng mỗi năm nghỉ trước tuổi sẽ bị trừ lương hưu được nhận Ảnh minh họa
TP - Quốc hội vừa thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, với việc tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm chỉnh sửa các chính sách về lương hưu để đồng bộ, đảm bảo quyền lợi NLĐ. Cơ quan quản lý cũng cần có chính sách để cho nghỉ hưu sớm với người có năng lực yếu kém, loại khỏi bộ máy nhà nước.

Tăng tuổi hưu để đảm bảo quỹ an sinh, hưu trí
Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân (người đầu tiên chấp bút cho Bộ luật Lao động sửa đổi) cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu tác động tới tất cả NLĐ, nhưng lộ trình tăng dần giúp giảm tác động của chính sách lên thị trường lao động (LĐ). Về mặt chính sách, cốt yếu của tăng tuổi hưu là để đảm bảo tính bền vững của quỹ an sinh, quỹ hưu trí cho dài hạn. Cùng đó, luật mới vẫn cho phép NLĐ trong một số lĩnh vực, điều kiện được nghỉ hưu trước tuổi. “Việc cần làm là Chính phủ sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về nhóm kéo dài thời gian làm việc, nhóm được nghỉ hưu sớm, các điều kiện đi kèm. Đồng thời, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội về thời gian đóng, mức hưởng lương hưu... Trên thực tế, khu vực công có thể muốn làm lâu hơn, nhưng công nhân hay doanh nghiệp sử dụng LĐ lại muốn nghỉ sớm. Điều này dẫn tới những so sánh nhất định. Do đó, các chính sách liên quan cũng cần sớm ban hành để đảm bảo đồng bộ, và tuyên truyền rộng rãi tới NLĐ”, ông Huân nói.
Bộ LĐ-TB&XH nhận định, một bộ phận NLĐ ủng hộ tăng tuổi nghỉ hưu, một bộ phận khác lại muốn nghỉ hưu sớm. Điều này phụ thuộc nhiều vào lộ trình cải cách hưu trí, nới lỏng hay thắt chặt quy định nghỉ hưu sớm. Về chi phí, cơ quan soạn thảo đánh giá, tiền lương khu vực nhà nước có thể tăng do số người ở lại và trả lương theo thâm niên công tác. Với doanh nghiệp, chi phí có thể tăng khi trả lương cao hơn cho LĐ có thâm niên, chuyên môn, và các chi phí bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp...). Riêng khoảng cách tiền lương và lương hưu giữa nữ và nam sẽ thu hẹp khi thời gian làm việc gần tương đương nhau. Đặc biệt, tăng tuổi nghỉ hưu tác động tích cực lên Quỹ Bảo hiểm, khi NLĐ tiếp tục làm việc sẽ còn đóng góp vào quỹ và giảm thời gian hưởng lương hưu.
Bộ LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, sau khi tăng tuổi nghỉ hưu, nếu không có một cơ chế tốt về đánh giá năng lực cán bộ, có thể gia tăng gánh nặng lương và bảo hiểm cho khu vực nhà nước. Trong khi đó, năng suất lao động giảm, do một bộ phận cán bộ khu vực công có năng lực thấp, sức khỏe yếu, sức ỳ lớn vẫn tiếp tục ở lại bộ máy.
Do đó, cơ quan soạn thảo luật cũng khuyến nghị, cần các chính sách linh hoạt về việc nghỉ hưu sớm, đảm bảo hợp lý và bình đẳng; các chính sách đánh giá năng lực cán bộ khu vực công để đảm bảo NLĐ có năng lực ở lại, còn người không đáp ứng được công việc, lạc hậu, trì trệ cần phải buộc nghỉ hưu sớm.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu Việt Nam không sớm thực hiện cải cách, quỹ hưu trí sẽ bị thâm hụt vào năm 2034. Khi đó, nếu Chính phủ không dùng khoản lớn ngân sách để bù đắp, tất cả người lao động nam dưới 40 tuổi và nữ dưới 35 tuổi sẽ không nhận được bất kỳ đồng lương nào khi đến tuổi nghỉ hưu.

Thiếu danh mục chi tiết các ngành nghề, lĩnh vực được nghỉ hưu muộn

Theo Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, tăng tuổi nghỉ hưu bắt đầu từ năm 2021, với nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, với nữ là 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, mỗi năm nam tăng thêm 3 tháng làm việc, nữ tăng thêm 4 tháng, cho tới khi nam đủ 62 tuổi (vào năm 2028), nữ đủ 60 tuổi (năm 2035). Tuổi nghỉ hưu này áp dụng với lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Theo đó, nhóm LĐ đầu tiên tăng tuổi nghỉ hưu là nam sinh năm 1961 và nữ sinh năm 1966.
Luật vẫn cho phép NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 so với tuổi trên (tức nam được làm tới 67 tuổi, nữ tới 65 tuổi).
Luật cũng cho phép NLĐ trong điều kiện làm việc năng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng khó khăn… sẽ được nghỉ hưu trước tuổi 5 năm (tức nam được nghỉ khi đủ 57 tuổi, nữ đủ 55 tuổi). Theo rà soát sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ có hơn 1.810 ngành nghề với hơn 3 triệu người thuộc nhóm này, như: công nhân hầm lò, hoá chất, dệt may, da giày, điện tử, cơ khí… Tuy nhiên, luật không đưa ra danh mục chi tiết các ngành nghề, lĩnh vực được nghỉ hưu muộn, hoặc nghỉ hưu trước tuổi. Chính phủ sẽ quy định chi tiết theo từng thời kỳ, điều kiện cụ thể.
Riêng với người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài điều kiện về ngành nghề làm việc, NLĐ còn có thể nghỉ hưu sớm hơn 10-15 năm, nếu suy giảm khả năng LĐ, đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm theo Điều 54, Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể, từ năm 2020, nếu suy giảm sức LĐ từ 61% trở lên, được nghỉ và hưởng lương khi nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi. Trường hợp suy giảm khả năng LĐ từ 81%, nam được nghỉ hưu khi đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi. Suy giảm khả năng LĐ từ 61% trở lên và từ 15 năm làm việc, ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (không cần điều kiện về tuổi đời) vẫn được nghỉ hưu có lương.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu quan điểm: Với mức tăng tuổi nghỉ hưu như Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, sẽ không có nhiều vấn đề với LĐ bình thường, kỹ thuật cao. Băn khoăn nhất là chính sách cho NLĐ trực tiếp như công nhân hầm lò, giày da, may mặc, thủy sản... Họ không thể làm tới lúc đủ tuổi nghỉ hưu. Còn nếu họ chuyển việc khác để làm tới lúc nghỉ hưu thì cũng rất khó vì tuổi đã cao. Và với chính sách lương hưu hiện nay, nếu họ nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ phần trăm lương hưu theo số năm nghỉ trước tuổi. Do đó, cần phải sửa đổi chính sách tính lương hưu để đảm bảo quyền lợi NLĐ nghỉ hưu trước tuổi do điều kiện công việc.

Bộ LĐ-TB&XH cho hay, thời gian tới sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Luật sẽ sửa đổi theo hướng giảm điều kiện về thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu, có thể xuống 15 hoặc 10 năm, thay vì tối thiểu 20 năm như hiện nay. Cùng đó, có thể cho phép người lao động đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

MỚI - NÓNG