Điều động, biệt phái giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học liên trường, liên cấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên áp dụng dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc từ lớp 3. Tuy nhiên, các địa phương hiện thiếu trầm trọng giáo viên ở các bộ môn này. Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) vừa có hướng dẫn, cho phép điều động, biệt phái giáo viên dạy liên trường, liên cấp từ năm học tới.

Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy học bộ môn Tiếng Anh và môn Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cấp tiểu học.

Trong chương trình GDPT mới, môn Tiếng Anh, Tin học sẽ trở thành môn bắt buộc áp dụng từ lớp 3, tổ chức dạy học từ năm học 2022-2023. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Do đó, để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học ở môn Tiếng Anh và Tin học, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh/ TP chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp tuyển dụng, kí hợp đồng lao động, hợp đồng thỉnh giảng theo hướng dẫn về việc chuẩn bị đội ngũ nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học theo lộ trình.

Điều động, biệt phái giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học liên trường, liên cấp ảnh 1

Cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí giáo viên có thể dạy Tiếng Anh, Tin học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Bộ GD&ĐT ban hành, bảo đảm giáo viên đã được bồi dưỡng về chương trình môn học, tập huấn sử dụng SGK, trước khi được phân công giảng dạy.

Bộ cũng yêu cầu các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình môn Tiếng Anh, Tin học từ năm 2022-2023 bảo đảm 100% học sinh trên địa bàn được học các môn theo quy định của chương trình GDPT mới.

Tổ chức khai thác, sử dụng, xây dựng bổ sung kho bài giảng dùng chung cho các môn học, đặc biệt là môn tiếng Anh, tin học để hỗ trợ giáo viên, nhà trường thực hiện các phương án tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả bảo đảm chất lượng dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Đáng chú ý để đảm bảo đủ đội ngũ giáo viên dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, lần này Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện kịp thời tuyển dụng, hợp đồng, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên theo chương trình mới. Thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học; biệt phái, điều động giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lí tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, SGK môn học; Thực hiện quản lí, đánh giá giáo viên, có phương án hỗ trợ khi điều động, biệt phái giáo viên dạy liên trường, liên cấp phù hợp thực tế của địa phương.

Bộ GD&ĐT cũng cho phép các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong bố trí giáo viên, xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khoá biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Thậm chí, giáo viên có thể dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến khi đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền.

Địa phương thiếu hàng nghìn giáo viên

Mới đây, các Sở GD&ĐT đã có ý kiến với Bộ GD&ĐT về những khó khăn khi chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học tới, trong đó có chuyện thiếu giáo viên.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục phổ thông nhưng do trước đó sáp nhập nhiều trường tiểu học lại với nhau dẫn đến nhiều điểm trường có khoảng cách xa, khó khăn cả về quản lí lẫn đầu tư cơ sở vật chất. Một số trường tiểu học chưa có giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh, Tin học.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La thừa nhận địa phương đang thiếu hàng nghìn giáo viên thực hiện chương trình mới, trong đó có nhiều giáo viên Tin học, Tiếng Anh. Riêng bậc tiểu học, địa phương thiếu 1.048 giáo viên. Cơ sở vật chất cũng thiếu chủ yếu phòng bộ môn Tin học, Tiếng Anh, phòng thư viện, nhà bán trú cho học sinh.

Hai năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ nộp vào, khi phỏng vấn chỉ còn vài ba người.

“Sở cũng đã làm việc với trường ĐH Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương tuy nhiên, với ngành này khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn về miền núi dạy học nên sinh viên không lựa chọn”, ông Chiến nói.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.