Theo Bộ GD&ĐT, đơn vị đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó riêng năm 2021 đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số).
Bộ GD&ĐT cũng hướng dẫn địa phương rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả, đồng thời có giải pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”; ưu tiên bảo đảm giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tại Hội nghị toàn quốc về Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 tổ chức sáng 28/8, lãnh đạo các địa phương cũng cho biết, vấn đề thiếu giáo viên trầm trọng ảnh hưởng đến công tác dạy học. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Đức Trung cho hay, địa phương hiện có hơn 870.000 học sinh các cấp với 1.534 cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, để đảm bảo dạy học địa phương thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp, trong đó chủ yếu giáo viên mầm non, tiểu học. Ông Trung kiến nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội Vụ bố trí đảm bảo đủ biên chế để đảm bảo kế hoạch năm học.
Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh Quảng Bình cũng cho rằng, hiện nay tại địa phương thiếu khoảng 1.000 giáo viên và có 500 giáo viên chưa đạt chuẩn là một áp lực rất lớn của tỉnh trong thời gian tới. Địa phương gặp khó khăn khi nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc tinh giản biên chế chưa hợp lý, cào bằng 10% với các ngành nghề khác trong khi thực tế thiếu giáo viên. Tỉnh Kon Tum cũng báo cáo thiếu 1.600 giáo viên biên chế. Năm học qua địa phương đã thực hiện các giải pháp sáp nhập điểm trường lẻ tuy nhiên địa hình có tới 80% là đồi núi nên việc sáp nhập cũng khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, bước vào năm học 2021-2022, địa phương đang rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, trường lớp, để đáp ứng chương trình và sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT địa phương đang đứng trước nhiều khó khan khi có tỷ lệ 46% dân tộc thiểu số. Ngoài ra tỉnh còn vướng mắc trước việc chuyển đổi mô hình trường cao đẳng sư phạm để đảm bảo tính đồng bộ với các địa phương; thiếu 3.721 giáo viên, tập trung chủ yếu vào bậc mầm non và tiểu học.
Trước tình trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, các địa phương nên rà soát, kiểm tra lại thực tế để có chính sách phù hợp. Theo Thủ tướng, hiện nay đa số địa phương thiếu giáo viên ở bậc mầm non, tiểu học trong khi bậc THCS lại thừa. Ở mỗi địa phương đều có trường sư phạm, cần nghiên cứu, đào tạo lại giáo viên là luân chuyển hợp lý giữa các cấp để giảm chỉ tiêu biên chế. “Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, trường học tuy nhiên cũng cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, nhất là các điểm lẻ”, Thủ tướng yêu cầu.
Về đề nghị chỉ tiêu biên chế giáo viên, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu dựa trên đề xuất của địa phương nhưng cần xem xét, rà soát kỹ. Do đó, ông yêu cầu Bộ GD&ĐT lập đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt.