Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM nhận định năm học mới khó có thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Chương trình dạy học trong 4-6 tuần đầu năm là online. Trước tình hình này, Sở đã đề xuất nhiều phương án phù hợp với các bậc học khác nhau.
Cụ thể, ở bậc trung học (kể cả giáo dục thường xuyên), học sinh được tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trực tuyến và củng cố kiến thức từ ngày 1 đến 5/9. Từ ngày 6/9, học sinh bước vào chương trình chính thức.
Với bậc tiểu học, việc tổ chức lớp từ ngày 8 đến 19/9, sau đó sẽ học chính thức. Riêng bậc mầm non, khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh mới có thể đến trường.
Ngoài ra, trong tờ trình về kế hoạch thời gian năm học mới, Sở cũng đề xuất 3 phương án tổ chức dạy và học căn cứ vào tình hình diễn biến dịch cho từng giai đoạn. Các trường có thể dạy trực tuyến từ 4 đến 6 tuần, hoặc từ 6 đến 10 tuần hoặc hết học kỳ I.
Cụ thể, phương án 1, đến ngày 15/9 (thời điểm hết giãn cách xã hội), dịch COVID-19 được khống chế tốt, các trường được trưng dụng làm khu cách ly được bàn giao, tiếp tục dạy trực tuyến theo kế hoạch 4-6 tuần đầu năm học.
Phương án 2 - nếu dịch bệnh được khống chế và kiểm soát từ cuối tháng 9, đến tháng 10, các trường học mới dần được bàn giao. Lúc này, nhà trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến 6-10 tuần tính từ đầu năm học. Tuỳ trường hợp cụ thể, các trường tổ chức dạy học trực tiếp.
Phương án 3 - áp dụng cho tình huống xấu hơn, tức dịch phức tạp đến cuối năm. Khi đó, các trường phải dạy trực tuyến trong học kỳ 1. Tuỳ trường hợp cụ thể sẽ được dạy trực tiếp.
Cũng theo Sở GD&ĐT TPHCM, thống kê hiện có 249 trường học trưng dụng làm khu cách ly, 453 trường làm điểm chích vắc xin, có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Do thực hiện giãn cách trong phòng, chống dịch nên việc chuẩn bị cho năm học mới gặp nhiều khó khăn…