Mới đây, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục các bộ SGK để địa phương lựa chọn. Cụ thể, có 48 đầu SGK lớp 3, 40 đầu SGK lớp 7 và 44 đầu SGK lớp 10 của nhiều nhà xuất bản. Sau khi có SGK mới, hội đồng lựa chọn sách do UBND tỉnh, TP thành lập tổ chức lựa chọn sách cho năm học mới.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có 224 cơ sở giáo dục phổ thông nhưng do trước đó sáp nhập nhiều trường tiểu học lại với nhau dẫn đến nhiều điểm trường có khoảng cách xa, khó khăn cả về quản lý lẫn đầu tư cơ sở vật chất. Một số trường tiểu học chưa có giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh, Tin học. Đối với bậc THCS- THPT khi triển khai chương trình GDPT mới dẫn đến mất cân đối đội ngũ, thừa thiếu cục bộ (học sinh THPT chỉ chọn 5/10 môn). Các môn như Âm nhạc, Mĩ thuật lớp 10 chưa hề có giáo viên dạy học.
Tại Hà Nội, năm qua do COVID-19 thiết bị thực hiện chương trình GDPT đắp chiếu, học sinh phải học chay qua mạng ảnh: Quỳnh Anh |
Cũng theo bà Hương, việc phê duyệt SGK hằng năm của Bộ chậm, thường cuối tháng 1 và cuối tháng 3 phải hoàn thành phần lựa chọn do đó cơ sở có quá ít thời gian để giáo viên, phụ huynh nghiên cứu, đánh giá trong khi đầu sách quá nhiều. “Các SGK trong thời gian địa phương lựa chọn cũng chưa có giá bán vì vậy tiêu chí về giá không có căn cứ thực hiện”, bà Hương nêu.
Ngày 11/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/ TP bàn về việc tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới. Về lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương thực hiện minh bạch, khách quan, bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách; tôn trọng ý kiến chuyên môn từ cơ sở.
Thiếu giáo viên, khó khăn về cơ sở vật chất cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, không riêng Quảng Trị. Tại tỉnh miền núi như Sơn La, bậc tiểu học hiện thiếu khá nhiều giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, 2 năm qua, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ nộp vào, khi phỏng vấn chỉ còn vài ba người. “Sở cũng đã làm việc với trường ĐH Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương tuy nhiên, với ngành này khi ra trường có thể có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập hấp dẫn hơn về miền núi dạy học nên sinh viên không lựa chọn”, ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, đối với việc thiếu giáo viên cho lớp 10 năm học tới, trước mắt địa phương tạm sử dụng giáo viên bậc THCS.
Nhiều địa phương cũng cho biết, qua 2 năm thực hiện chương trình mới, chuẩn bị cho năm thứ 3 vấn đề vấp phải đều ở chỗ: thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh (Tiểu học); môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) ở bậc THPT. Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh yêu cầu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải có đủ giáo viên để đảm bảo quyền được học của học sinh. Do đó, các địa phương cần quan tâm để bảo đảm đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình GDPT mới, đặc biệt là giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học ở lớp 3; Âm nhạc, Mĩ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.