Giáo viên mệt mỏi khi phải đảm nhận “hai vai”
Cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên Địa lý trường THPT chuyên Trần Địa Nghĩa, TPHCM cho rằng, giáo viên vừa off vừa online nên rất vất vả.
Theo cô Hiệp, do trước đây học sinh sẽ học 2 buổi có tăng cường tiếng anh và tích hợp nên giờ xếp lịch học một buổi sẽ không có đủ giờ cho giáo viên. Thực tế, các môn tự nhiên được ưu tiên cho học trực tiếp nên các môn xã hội sẽ song song cả hai hình thức.
“Việc dạy hỗn hợp rất mệt mỏi là vì vẫn phải gửi bài và phiếu học tập lên hệ thống online và những lớp trực tiếp thì photo bài học”- cô Hiệp chỉ ra.
Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng, tùy từng khối, lớp vì có một số lớp thì dạy trực tuyến từ đầu đến giờ chưa được học trực tiếp buổi nào. Thực tế, trong một buổi giáo viên dạy xen lẫn cả trực tiếp và trực tuyến là chuyện bình thường.
Cô Thùy Linh, giáo viên tại một trường THCS của quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trong một tuần nay, số học sinh tới trường học trực tiếp không bao giờ đủ. Mỗi ngày, trong số những em phải chuyển sang học online là học sinh thuộc diện F0; số còn lại là F1.
Cũng theo giáo viên này, trường hợp học sinh không thể tới lớp, các lớp được nhà trường trang bị hệ thống camera ghi hình tiết dạy, sau đó kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến để các em không tới trường vẫn có thể theo dõi bài giảng tại nhà.
Tuy nhiên, việc vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, theo cô Linh, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Thậm chí, giáo viên cho rằng, họ phải làm gấp đôi so với nếu học sinh chỉ học trực tuyến.
“Giờ đây khi kết hợp “on – off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến”- cô Linh chia sẻ.
Thầy Thành Công, giáo viên dạy môn Sinh học tại một trường THPT của Hà Nội cho biết lịch phải dạy cả 3 khối 12, 11, 10.
Cũng theo thầy Công, mấy hôm đầu, trong cùng 1 lớp đôi khi dạy “on-off” song song; nhưng đợt này có mấy lớp có nhiều F0 nên cho nghỉ học online ở nhà. Đến giờ lớp nào vào lớp đó, nếu lớp có học sinh thì dạy trực tiếp, lớp trống không thì set up hệ thống dạy online.
Qua một tuần học sinh đi học trở lại, giáo viên này cho biết, số lượng học sinh bị F0 cứ tăng dần. Có lớp nhiều, lớp ít. Ít thì vài bạn, nhiều thì 2/3 lớp.
Nhiều giáo viên ở Hà Nội thừa nhận, việc phải đảm nhiệm “nhiều vai” như thế khiến giáo viên gặp một chút quá tải. Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối dưới, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối trên.
Hiệu trưởng lo lắng nhất điều gì?
Ông Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội chia sẻ, giáo viên dạy học thời điểm này là cực kì áp lực và vất vả.
Ông Cường cho rằng, thực tế nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện giải pháp trực tuyến nên thời điểm này vẫn đáp ứng tốt. Trước Tết khi có kế hoạch cho học sinh quay trở lại thì nhà trường đã có kịch bản chi tiết cho việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến lớp. Vừa rồi, Bộ GD&ĐT phê duyệt Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học thì nhà trường càng yên tâm khi các tình huống được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn rất kĩ.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, thực tế xảy ra có muôn vàn tình huống, khi đó hiệu trưởng nhà trường cần có sự quyết đoán và xử lý. Cũng may mắn, hiện chưa có học sinh nào của tỉnh bị chuyển biến nặng hay tử vong mà chỉ nhẹ, tự điều trị tại nhà.
Ông Cường cho rằng, ở góc độ tinh thần, nhà trường họp kĩ với giáo viên và cô giáo chủ nhiệm trong việc xác định việc thích ứng linh hoạt và hiệu quả trong các tình huống.
Đầu tư thiết bị khi phải dạy hỗn hợp nên nhà trường đã lắp toàn bộ webcam ở các lớp để đảm bảo cho học sinh không may bị F0 và F1 thì ở nhà vẫn kết nối với thầy cô giáo tại lớp và học cùng các bạn.
Vị hiệu trưởng này cho rằng, ông không ngại về giải pháp công nghệ khi phải dạy hỗn hợp nhiều hình thức nhưng nỗi lo lắng nhất lúc này là học sinh và giáo viên bị F0 tăng theo các ngày, cũng dẫn đến để đảm bảo đủ giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp.
“Thầy cô luôn ở trạng thái vất vả, lúc thầy cô thể hiện trách nhiệm và tâm huyết với cả cộng đồng. Điều quan trọng là các trường cần phải chia sẻ, động viên với các giáo viên bởi họ là người chịu áp lực, vất vả”- ông Cường nói.
Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, thời gian qua, hoạt động dạy học tại Thái Bình được thực hiện chủ yếu theo hình thức trực tiếp.
Nếu xuất hiện F0 trong trường học, những nhóm lớp nào liên quan đến F0 thì mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp. Đó là một trong số những nội dung nằm trong phương án, kịch bản triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch COVID- 19.
Sở GD&ĐT đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng ít nhất 3 phương án dạy học phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gồm: Dạy học trực tiếp; dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học theo ca, thực hiện giãn cách; dạy học trực tuyến.
Đối với mỗi phương án, các trường đều chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu và bố trí thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp, khuyến khích tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Trong đó ưu tiên giảng dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến.
Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; thực hiện tốt việc tạo điều kiện học tập cho học sinh ở địa phương khác bị mắc kẹt tại Thái Bình; quan tâm hỗ trợ việc học tập cho học sinh của nhà trường hiện đang mắc kẹt ở địa phương khác. Ưu tiên việc kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tiếp, trường hợp đặc biệt tiến hành kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho rằng, việc ứng phó khi có F0 trong trường học cần thực hiện linh hoạt, ổn định về mặt tâm lý và không hoang mang. Công tác tiêm chủng cho học sinh các lứa tuổi cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Công tác truyền thông giữa nhà trường và cha mẹ học sinh cần chú trọng. Phương án dạy học cần được tính đến theo hướng đa dạng, chủ động để có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào.