Điều chỉnh giá điện phải công khai, minh bạch

Điều chỉnh giá điện phải công khai, minh bạch
Chiều 23-10, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Các đại biểu tập trung vào 2 nội dung: Giá điện và các loại phí; quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực.

> Rập rình giá điện

> Chưa điều chỉnh giá điện trong tháng 10

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi Trẻ

Bên cạnh việc tiếp thu, sửa đổi các nội dung do Chính phủ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực được sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới về chính sách phát triển điện lực; quy hoạch điện lực; đầu tư phát triển điện lực; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; hình thành và phát triển thị trường điện lực; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thiết bị đo đếm điện; mua bán điện với nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực và khách hàng.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và góp ý kiến xoay quanh các vấn đề: Chính sách phát triển điện lực; hình thành và phát triển thị trường điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị điện lực...Trong đó, tập trung vào 2 nội dung: Giá điện và các loại phí; quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực.

Nhiều ý kiến nhất trí sửa đổi, bổ sung khoản 1a Điều 29 quy định “giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực" là phù hợp với chủ trương điều hành lĩnh vực điện lực theo cơ chế thị trường, đồng thời vẫn giữ vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá bán điện. Đồng thời, đảm bảo hài hòa vai trò của cơ chế thị trường và vai trò điều tiết của Nhà nước đối với chính sách giá điện trong lộ trình phát triển thị trường điện.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, cần phải có biểu giá bán lẻ điện cho các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, không nên áp giá bán lẻ điện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp thường xuyên có mức sử dụng điện không quá 50kw/tháng vì như vậy, không khuyến khích nhân dân các vùng trên áp dụng khoa học kỹ thuật điện khí hóa sử dụng điện năng nhiều hơn.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị bổ sung thêm quy định Nhà nước có cơ chế ưu đãi tổ chức cá nhân, ưu tiên phát triển điện miền núi, hải đảo, có chính sách phát triển điện vùng khó khăn. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đề nghị bổ sung thêm quy định những vùng di dân tái định cư do Nhà nước thu hồi xây dựng thủy điện cũng được tạo điều kiện hỗ trợ giá điện.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước sẽ là nhân tố khuyến khích phát triển thị trường cung ứng điện. Vấn đề đặt ra là cấu trúc, nguyên tắc vận hành, Nhà nước điều tiết ở khía cạnh nào để minh bạch giá điện. Đại biểu cũng đề nghị xem xét từng loại giá và phí bởi quy định nhiều các loại phí sẽ dẫn đến giá điện bị đẩy lên cao.

Liên quan đến việc điều chỉnh giá điện, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện có tác động đến toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất, kinh doanh , dịch vụ đến đời sống dân cư. Do đó, việc điều chỉnh giá điện đều phải cân nhắc thận trọng, xem xét tất cả các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện để có mức điều chỉnh giá điện hợp lý, phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô.

Để góp phần hạn chế tình trạng độc quyền trong một số khâu, bảo đảm quyền lợi khách hàng sử dụng điện, cần công khai, minh bạch về sự biến đổi của các yếu tố cấu thành giá bán lẻ điện. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), việc điều chỉnh phải được xin phép Thủ tướng Chính phủ chứ không thể chỉ giao cho Tập đoàn điện lực xin ý kiến Bộ Công thương bởi đây là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phải đảm bảo công khai minh bạch, có sự giám sát của người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Về quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, đa số ý kiến nhất trí chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm, có định hướng cho 10 năm tiếp theo, đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch.

chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm
chu kỳ quy hoạch phát triển điện lực là 10 năm.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị bổ sung thêm quy định cần có quỹ đất dự kiến cho công trình điện lực là một trong những nội dung bắt buộc khi xây dựng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia cũng như quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh.

Tuy nhiên, theo đại biểu, để tăng thêm tính khả thi, nên cân nhắc bổ sung thêm quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xây dựng phương án giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ vì đây là một trong những vấn đề thường vướng mắc. Ngoài ra cũng để tăng tính khả thi cho các dự án nằm trong các quy hoạch này, nên quy định yêu cầu phải chỉ ra một số giải pháp chính về nguồn vốn đầu tư để thực hiện các công trình điện.

Một số ý kiến đề nghị cần thể hiện tính kết nối của quy hoạch phát triển điện lực với quy hoạch các nguồn năng lượng sơ cấp và các quy hoạch khác có liên quan.

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính đồng bộ với quy hoạch các nguồn năng lượng than dầu, khí đốt, tiềm năng thủy điện và các nguồn năng lượng mới và quy hoạch phát triển của các địa phương đồng thời còn phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia, tỷ lệ tăng trưởng để dự báo nhu cầu từng thời kỳ, từng giai đoạn của quy hoạch.

Đại biểu cũng cho rằng, cần có chế tài liên quan đến chất lượng của duyệt quy hoạch và chất lượng quy hoạch vì nếu quy hoạch thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến điều chỉnh quy hoạch thường xuyên; quy hoạch kém dẫn đến chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng...

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu tỏ ra lo ngại về các vấn đề: tình trạng phát triển thủy điện vừa và nhỏ một cách tràn lan, khó kiểm soát; điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người dân tái định cư; môi trường sinh thái...đặc biệt là vấn đề an toàn thủy điện và cho rằng đây là việc lớn có liên quan đến sinh mệnh của người dân, cần được đề cập một cách đậm nét hơn.

 Theo TTXVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.