Điện ảnh VN 2005: Những cú hích cần thiết

Điện ảnh VN 2005: Những cú hích cần thiết
Năm 2005 có nhiều sự kiện tác động mạnh đến điện ảnh VN. Sự tác động là cần thiết bởi điện ảnh dường như quá lúng túng, chậm chạp trong việc tìm cho mình một hướng đi phù hợp

Trước tiên là chính sách cổ phần hoá ba hãng phim nhà nước được đưa ra từ những năm trước với thời hạn đến 31/12/2005 phải hoàn thành.

Hầu hết các hãng phim đã có những bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình này như mời các chuyên gia trong lĩnh vực cổ phần hoá đến nói chuyện, làm công tác tư tưởng cho CBCNV, rà soát lại nhân sự...guồng máy dường như đã chuyển động và tưởng chừng với cú hích này, điện ảnh VN sẽ vươn mình thức dậy sau giấc ngủ dài.

Nhưng rồi thời gian cứ trôi đi mà tiến trình cổ phần hoá vẫn khó có thể triển khai vì còn vướng quá nhiều vấn đề. Chúng ta chưa có thời gian chuẩn bị cho một bước chuyển lớn, trong sự thay đổi này cần một cái nhìn tổng thể hơn, đồng bộ hơn ở tất cả các khâu thay vì chỉ chuyển đổi ở khâu sản xuất-các hãng phim, chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng cho những hoạt động điện ảnh ở một môi trường mới...

Dự thảo Luật điện ảnh đã được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 khoá 11 (tháng 10/2005) nhưng còn rất nhiều điều cần tranh luận. Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa sau khi tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để trình lại vào kỳ họp tới giữa năm 2006.

Điều đó có nghĩa không khí "chờ và xem" sẽ bao phủ điện ảnh thêm một thời gian nữa. Nhưng dư luận lại không thể chờ đợi, nhiều tầng lớp khán giả cũng như đội ngũ cán bộ hoạt động điện ảnh phải lên tiếng vì sự trì trệ của điện ảnh VN, vì những bộ phim tiêu tốn tiền tỉ chỉ để chiếu một vài buổi rồi cất kho...khiến các nhà hoạch định chính sách  cũng cảm thấy sốt ruột, những bước đệm nhỏ chuẩn bị cho một bước đi lớn đã được triển khai.

Quy chế về việc đấu thầu kịch bản đang ở khâu hoàn thiện tuy nhiên lại một lần nữa vấn đề này cũng xới lên nhiều tranh cãi. Tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một công trình xây dựng mà chúng ta có thể tính toán từ những định lượng nguyên liệu cụ thể sẽ cho ra một sản phẩm như ý muốn.

Mặt khác những tiêu chí và chuẩn mực của hội đồng thẩm định kịch bản như thế nào, liệu có xảy ra tình trạng "nắn" kịch bản theo "gu" của hội đồng thẩm định để thắng thầu hoặc kịch bản đã qua đấu thầu nhưng vẫn không đạt chất lượng thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai...

Năm 2006- không còn tài trợ của nhà nước

Điện ảnh VN 2005: Những cú hích cần thiết ảnh 1
Một cảnh trong phim Đường thư

Những ngày cuối năm này  điện ảnh VN nhận thêm một cú hích khá mạnh nữa. Đó là thông tin được phát ra từ Cục điện ảnh: Bước sang năm 2006 nhà nước sẽ không còn tài trợ cho các hãng.

Nói thế không có nghĩa các hãng sẽ chẳng còn gì mà có thể là sự chuyển hướng từ đầu tư dàn trải như trước đây (các hãng được rót kinh phí hàng năm theo biên chế) sang đầu tư trực tiếp cho từng phim.

Có thể thấy những chính sách được đưa ra trong năm 2005 đều nhằm đến một mục đích lớn: Xã hội hoá điện ảnh. Chỉ có xã hội hoá mới đem lại một diện mạo mới cho điện ảnh, mới thúc đẩy được sự phát triển của điện ảnh.

Tuy nhiên trong lúc chờ đợi những chính sách trên được ban hành một cách cụ thể để có kế hoạch cho bước đi lâu dài trong tương lai thì năm qua các hãng phim nhà nước vẫn tiếp tục có nhiều bộ phim khá thành công như Mùa len trâu của Hãng phim Giải phóng (đã đoạt 7 giải thưởng quốc tế và được tranh cử phim nước ngoài tại giải Oscar 2006), Đường thư của Hãng phim truyện VN, hay Chiến dịch trái tim bên phải, Sống trong sợ hãi của Hãng phim truyện I...

Sôi động các hãng phim tư nhân

Nhìn toàn cảnh hoạt động điện ảnh trong năm qua không thể không nhắc đến sự góp mặt của các hãng phim tư nhân.

Đây là mảng sôi động nhất, lấn lướt điện ảnh nhà nước cả về quy mô và số lượng, tập trung chủ yếu ở TP.HCM. Nào là Nữ tướng cướp, Đẻ mướn, 1.735 km, Hồn Trương Ba da hàng thịt... trong đó đã có những phim được đầu tư tới bạc tỉ nhưng chất lượng nghệ thuật vẫn là một dấu hỏi lớn.

Dòng phim tư nhân này gợi ta nhớ lại phim thời "mì ăn liền" những năm 90 của thế kỷ trước. Không phải phim nào dù là phim hướng đến khán giả cũng đều được số đông khán giả chấp nhận. Sự thất bại của 39 độ yêu, 1.735 km đã chứng minh điều đó.

Vậy thì công việc của các nhà quản lý hoạch định chính sách phát triển điện ảnh trong tương lai quả là không dễ dàng. Chúng ta không thể nhảy từ thái cực này sang thái cực khác.

Chúng ta không thể lấy số lượng vé bán ra để làm chuẩn mực cho một tác phẩm điện ảnh. Do đó chính sách nào cho điện ảnh để chúng ta vừa thoả mãn nhu cầu của số đông vừa có những bộ phim xứng đáng đại diện cho nền điện ảnh nước nhà. Hy vọng rằng trong năm tiếp theo điện ảnh VN sẽ trả lời được câu hỏi này.

Theo Thanh Huyền
Điện ảnh Kịch trường

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.