Điểm tựa của những chiến binh K

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là một bệnh nhân ung thư, thấu hiểu khó khăn mà những người đồng bệnh trải qua trong quá trình điều trị, chị Lê Hoàng Ngân (SN 1989, ở Đà Nẵng) thành lập tổ chức WE CAN (Chúng ta có thể). Nơi đây trở thành điểm tựa cho những chiến binh K trong hành trình điều trị và phục hồi.

Biên soạn sách cho bệnh nhân ung thư

Năm 2019, khi đang mang bầu em bé thứ 2, chị Lê Hoàng Ngân (giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh) phát hiện mình mắc ung thư phổi. Những ngày đầu chống chọi với căn bệnh, chị Ngân rơi vào trầm cảm vì phải quanh quẩn với giường bệnh, thuốc và những đợt hóa trị.

Thời điểm đó, bác sĩ điều trị ở khoa Ung bướu (BV Đà Nẵng) đã khuyến khích chị quay trở lại với công việc bằng cách dịch thuật và biên soạn một cuốn sách tiếng Anh về bệnh ung thư. “Cuốn sách giúp tôi có thêm những kiến thức về căn bệnh, cũng giúp tôi quên đi những căng thẳng, lo âu trong quá trình điều trị”, chị Ngân kể.

Vốn là một giáo viên tiếng Anh, việc dịch thuật đối với chị Ngân không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, dịch và biên soạn sách khi đang điều trị lại không hề dễ dàng. “Cứ ngồi trước màn hình máy tính, tôi lại đau đầu. Nhưng mong muốn được hoàn thiện cuốn sách và trao đến những người đồng bệnh thôi thúc tôi cố gắng. Một vài người bạn thân thiết cũng hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình dịch và biên soạn sách”, chị Ngân nói.

Sau khi hoàn thành việc dịch thuật, chị Ngân chuyển cho bác sĩ điều trị để hỗ trợ hiệu đính các thông tin trước khi gửi tặng những bệnh nhân đang cùng điều trị ở khoa Ung bướu. Lúc đó, chị Ngân lóe lên suy nghĩ về việc dịch và biên soạn nhiều cuốn sách hơn nữa để bệnh nhân ung thư có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin đáng tin cậy về căn bệnh này.

Nghĩ là làm, chị Ngân thành lập WE CAN vào tháng 4/2020 với dự án đầu tiên “Chúng ta cần biết” nhằm phổ biến các kiến thức hữu ích về bệnh ung thư và cách chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân ung thư.

“Thời điểm biết mình mắc ung thư, tôi cũng như biết bao người khác: bất lực, bế tắc, tiêu cực. Tôi tìm kiếm rất nhiều về căn bệnh này, giữa vô vàn những thông tin trên internet, tôi lúng túng không biết tin tưởng điều gì. Tôi biết nhiều người đồng bệnh cũng như tôi. Điều đó thôi thúc tôi thực hiện dự án này”, chị Ngân nói.

Tháng 7/2020, cuốn sách Ung thư và Cảm xúc được giới thiệu và gửi tặng đến các bệnh nhân đang điều trị ung thư trên địa bàn. Đúng như tên gọi, cuốn sách nói về tất cả những cung bậc cảm xúc mà một bệnh nhân ung thư trải qua, cách thức để bệnh nhân đương đầu với những bất ổn về tâm lý cũng như các vấn đề trong cuộc sống trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Bên cạnh những kiến thức, cuốn sách còn có những chia sẻ của những chiến binh K đang điều trị.

Hiện, WE CAN đã kí kết với một tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư để dịch thuật, biên soạn một bộ sách 50 cuốn về bệnh ung thư. Chị Ngân cùng các tình nguyện viên đang tiếp tục dịch thuật, biên soạn và hiệu đính để ra mắt bộ sách trong thời gian sớm nhất.

Điểm tựa của những chiến binh K ảnh 1

Trao học bổng Cùng em dệt ước mơ, tiếp sức cho con em các bệnh nhân ung thư trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp

“Các cuốn sách trước khi đến tay bệnh nhân đều sẽ được Hội đồng cố vấn Y khoa của WE CAN thông qua. Dự kiến tháng 11/2022, 10 cuốn đầu tiên của bộ sách sẽ được gửi đến các bệnh nhân ung thư bằng bản cứng và bản mềm. Những cuốn sách này đều hoàn toàn phi lợi nhuận, với mong muốn giúp các bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận được với những thông tin uy tín, chính xác”, chị Ngân nói.

“Có chúng tôi chiến đấu cùng bạn”

Sau 2 năm hoạt động, WE CAN dần dần lan tỏa và trở thành điểm tựa cho những chiến binh K ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Lai Châu, Quảng Bình, TPHCM… trong quá trình điều trị bệnh. Từ dự án dịch và biên soạn sách đầu tiên, WE CAN tiếp tục lan tỏa nhiều dự án cộng đồng dành cho các bệnh nhân ung thư như chiến dịch truyền thông “Cùng nhau, chúng ta có thể”, “Chúng ta hát ca”, “Chúng ta sẻ chia”, “Chúng ta tỏa sáng”…

Khi mới bắt đầu với WE CAN, chị Ngân cũng gặp nhiều khó khăn về định hướng, về nguồn lực, về tài chính… “Bản thân là một bệnh nhân, tôi biết những người đồng bệnh trải qua những gì, gặp khó khăn gì. Bởi vậy, mỗi dự án của WE CAN đều hướng đến giải quyết những trăn trở của bệnh nhân ung thư. Tôi cũng may mắn nhận được sự đồng hành của các bác sĩ điều trị, nhờ vậy, WE CAN nhận được sự hỗ trợ của người thân các bệnh nhân, của chính các bệnh nhân đã từng điều trị khỏe, các mạnh thường quân…”, chị Ngân chia sẻ.

Điểm tựa của những chiến binh K ảnh 2

Chị Lê Hoàng Ngân, người sáng lập tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư WE CAN

Đến nay, WE CAN trở thành mái nhà chung của 25 tình nguyện viên là các bạn trẻ đang học tập ở Đà Nẵng, TPHCM và cả du học sinh. Trên website của WE CAN có một dòng chữ nhỏ “You have us in your own battle” (Có chúng tôi chiến đấu cùng bạn), đó là giá trị và tinh thần mà WE CAN xây dựng từ những ngày đầu thành lập, trở thành điểm tựa đáng tin cậy của bệnh nhân ung thư và người thân. “Tất cả chúng tôi đều là những viên gạch nhỏ để xây nên cộng đồng WE CAN, nơi các bệnh nhân ung thư được hỗ trợ, kết nối và tỏa sáng”, chị Ngân nói.

Hiện, dự án quan trọng nhất mà WE CAN đang theo đuổi đó là học bổng “Cùng em dệt ước mơ” hỗ trợ con em của các bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Học bổng được gây quỹ thông qua đêm nhạc “Chúng ta hát ca”, bán các ấn phẩm như bưu thiếp, kẹp sách, sự ủng hộ của các mạnh thường quân…

“Thời gian đầu, tôi rất sợ hãi khi ở một mình hoặc ở trong bóng tối. Thời gian qua đi, với WE CAN, tôi được cống hiến và phụng sự cho cộng đồng. Tôi không còn bất an nữa bởi tôi biết mình vẫn có nhiều việc phải làm. Điều tiếc nuối duy nhất của tôi là tại sao không cống hiến, phụng sự cộng đồng sớm hơn”.

chị Lê Hoàng Ngân, Người sáng lập Tổ chức WE CAN

“Điều trị ung thư là quá trình dài và tốn kém. Tôi biết rất nhiều gia đình kiệt quệ khi có bố hoặc mẹ điều trị ung thư mà con cái vẫn đang tuổi ăn học. Với quỹ học bổng này, WE CAN sẽ đồng hành cùng các em trong hành trình dài phía trước, để những ước mơ của các em không phải dang dở”, chị Ngân chia sẻ.

Với sự hỗ trợ của quỹ học bổng “Cùng em dệt ước mơ”, con em của bệnh nhân ung thư từ 12 đến 18 tuổi sẽ được hỗ trợ 12 triệu đồng/năm học. Năm 2021, đã có 19 em đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... được trao học bổng. Trong năm 2022, WE CAN dự kiến đồng hành cùng 30 học sinh là con của bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn.

Biết đến WE CAN từ dự án “Chúng ta hát ca”, bà Hồ Bích Trâm (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) được kết nối với những người đồng bệnh, tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư. “Ở đó, chúng tôi dễ dàng thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia. Được gặp gỡ mọi người, tham gia các hoạt động giúp tôi thấy lạc quan, yêu đời hơn, việc đối mặt với những đợt điều trị cũng dễ dàng hơn”, bà Trâm nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.