Điểm danh & trách nhiệm

Điểm danh & trách nhiệm
TP - Vừa qua, có thời điểm ĐBQH vắng mặt tại các phiên biểu quyết thông qua luật lên tới hơn 20%. 

Theo đó, sáng 20/11 chỉ có 405/497 “số đại biểu có mặt” hiện trên bảng điện tử tại hội trường, tức 92 đại biểu vắng mặt; sáng 21/11 khi thông qua Luật căn cước công dân có 94 đại biểu vắng mặt (403/497 có mặt); ngay sau đó khi biểu quyết thông qua Luật hộ tịch lại có tới 102 đại biểu vắng mặt (395/497 có mặt). Thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi, liệu có tình trạng ĐBQH bấm nút hộ nhau? Bởi những con số “nhảy nhót” chỉ cách nhau có vài phút dường như đã nói lên điều đó.

Trước tình hình trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Tại kỳ họp sau sẽ trang bị để đại biểu quốc hội điểm danh bằng thẻ”. “Dự kiến đây là thẻ cắm thông minh, khi cắm thẻ tất cả các hệ thống máy tính, điện, bấm nút mới hoạt động và có thể điểm danh luôn. Đến kỳ sau thẻ này sẽ được sử dụng. Đây cũng là thẻ điểm danh đại biểu” – ông Phúc nói. Với thẻ này, ĐBQH không thể điểm danh hay bấm nút hộ nhau được nữa.

Luật Tổ chức Quốc hội quy định cả nước ngót trăm triệu dân mới có 500 người đại diện, tức các vị ĐBQH. Luật cũng ghi rõ : “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”. Ấy vậy mà có những phiên họp quan trọng như biểu quyết thông qua luật cho toàn dân thực hiện mà có tới hơn 20% đại biểu vắng mặt. Chừng đó tỉ lệ ĐBQH vắng mặt, liệu bao nhiêu cử tri cả nước sẽ không có người đại diện cho mình để “thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội” theo luật định. 

Cũng có ý kiến cho rằng, do tỷ lệ ĐBQH phải kiêm nhiệm nhiều quá. Có vị vừa ngồi họp Quốc hội vừa phải lo giải quyết công việc của địa phương, bộ ngành mình, một mình gánh mấy vai cả hành pháp lẫn lập pháp… Do vậy cũng khó đòi hỏi các vị này toàn tâm toàn ý “thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu” – một trách nhiệm đã được Hiến định của ĐBQH.

Hiến pháp cũng quy định : “Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội”. Điều này có nghĩa ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân, luôn phải bố trí đầy đủ cho các đại biểu hoạt động. Nguyên tắc được Hiến định đó cho thấy vị trí, vai trò quan trọng và không thể thiếu của các ĐBQH trong một thể chế dân chủ.

Với ý nghĩa đó, tin rằng việc phải điểm danh bằng thẻ đối với các ĐBQH chỉ mang tính thủ tục. Bởi với tất cả trách nhiệm nặng nề và cao cả trước quốc dân đồng bào của mỗi vị ĐBQH, thiết nghĩ đâu phải điểm danh? Càng không dám nghĩ có vị lại dám bấm nút thông qua luật hộ nhau? Hy vọng điều đó không phải là sự thật!.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.