Dịch giả Thúy Toàn: Thiệt thòi vì may mắn quá nhiều

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
TP - Thúy Toàn cho rằng, lao động của dịch giả còn cực nhọc hơn nhà văn, bởi vì anh ta là “nô lệ của nguyên bản”. Nhưng được sống kiếp “nô lệ” như Thúy Toàn thì ai cũng mong. Ông là một trong số ít dịch giả may mắn được người đọc nhớ tên và cũng là một trong những dịch giả đầu tiên được nhận thẻ hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam thuở còn danh giá…

Cuối năm 2010, Thúy Toàn vinh dự đón nhận Huân chương Hữu nghị, Huân chương cao quí của nước Nga do đích thân Tổng thống Nga bấy giờ, Dmitry Medvedev trao tặng, tại điện Kremlin. Cũng nhân dịp này, ông đã tặng Tổng thống Nga cuốn “Khúc ca về cuộc hành binh Igo”, do ông dịch. Không ai ngạc nhiên hay ghen tị với vinh dự lớn của Thúy Toàn, bởi ông từ lâu đã được coi như người bắc cầu văn học Việt - Nga.

Dịch giả Thúy Toàn: Thiệt thòi vì may mắn quá nhiều ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Không “dựa hơi”, không nhận vơ

Tự nhận là người thích giao tiếp nên gặp Thúy Toàn không khó. Ông khá cởi mở từ chuyện văn chương đến những chuyện ngoài văn chương. Chính Thúy Toàn là người cung cấp cho báo chí câu chuyện mang tính “thâm cung bí sử”: Phu nhân Tổng Thống Nga Putin khi hôn nhân còn hạnh phúc, là người tác động đến chồng, để ông ra quyết định công nhận ngày 6 tháng 6 hằng năm là ngày Quốc tế tiếng Nga. Rồi chính ngày 6 tháng 6 cũng trùng với ngày vợ chồng Tổng thống Putin quyết định tuyên bố sẽ ly hôn sau khi xem xong một vở ba-lê. Ngoài đời ông từng có cơ hội gặp gỡ Tổng thống Nga Putin, vài lần gặp gỡ phu nhân Lyudmila, một nhà ngôn ngữ học cao cấp, đóng góp rất nhiều cho hoạt động bảo tồn và phát triển tiếng Nga. Có điều Thúy Toàn kể những câu chuyện ấy không phải để “dựa hơi”. Ông kể vì có người hỏi. Đơn giản vậy. Thúy Toàn không biết “đánh bóng”, không lấy những thứ không thuộc về mình, càng không thích khoe chức vị. Đừng nói ông từng làm phó tổng biên tập, phó giám đốc NXB Văn học hay chức danh sau này, giám đốc Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt - Nga… Ông không thích.  Giống như chuyện không ít người lầm ông là người dịch bài thơ “Đợi anh về” nổi tiếng của Ximonop. Nhưng ông kiên quyết đính chính, bài thơ ấy do Tố Hữu dịch chứ không phải ông: “Tôi không nhận vơ được”. Đã có nhiều người dịch lại bài thơ của Ximônop, trong đó có cả những vị tiến sỹ ngôn ngữ, cả nhà thơ, nhưng người ta đều quên, chỉ nhớ duy nhất bản dịch của Tố Hữu. Về việc này, Thúy Toàn nêu quan điểm: “Có những cái đã tạm được rồi, thì thôi để đấy, dịch lại làm gì. Như “Đợi anh về” có xa nguyên bản thì nó cũng đã đi vào tâm hồn người Việt rồi. Tuy xa nguyên bản mà lại gần, vì nó phản ánh tâm hồn của người Việt, khi cả một thế hệ đi chiến đấu”. Ông cho biết, chưa từng có ý định dịch “Đợi anh về” vì “tôi không cảm xúc được như Tố Hữu”. Cho đến giờ phút này, sở hữu một tài sản dịch thuật khổng lồ, Thúy Toàn tự tin là không có bản dịch nào xa nguyên tác: “Lúc nào tôi cũng dịch sát nghĩa. Khi tôi lao động hay khi tôi làm một việc gì cũng phải đến nơi đến chốn. Khi yêu thích một bài thơ nào đó thì tôi tra từ điển kỹ càng, đọc để hiểu thật chính xác, chứ không làng màng, qua loa”.

Dịch giả Thúy Toàn: Thiệt thòi vì may mắn quá nhiều ảnh 2 Dịch giả Thúy Toàn. Ảnh: Hồng Diệu.

Niềm vui của anh “tép riu”

Không có thói quen cà phê  “chém gió”, ai có nhu cầu gặp gỡ Thúy Toàn, cứ “alo”, ông sẽ mời đến văn phòng cùng nói chuyện nhưng giao hẹn trước: Không cà kê qua giờ trưa, bởi ông còn phải về nhà ăn trưa với gia đình. Ở tuổi 80, ông vẫn đi xe máy. Đeo trên vai một chiếc túi vải, ngồi trên chiếc Dream cũ, ông lẫn vào dòng người trên đường phố. Chẳng ai biết đó là nhà Puskin học của Việt Nam, người đã dịch những dòng thơ lai láng: “Tôi yêu em đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/Nhưng không để em còn bận lòng thêm nữa/Hay hồn em phải gợn bóng u hoài”. Đã hơn 60 năm trôi qua, kể từ ngày Thúy Toàn dịch “Tôi yêu em”: “Tôi yêu em có lẽ là bài thơ tình tôi thích nhất. Hồi đó, tôi 17, 18 tuổi gì đó, đang học lớp tiếng Nga, ở Nga và có cảm tình với một cô nàng người Việt. Tôi vốn người nhà quê. Quê tôi, chỉ cách Hà Nội 18 cây, hồi ấy gọi là làng mà lại phố. Bây giờ đã lên phố nhưng vẫn là làng. Tôi là con em cán bộ bình thường nên mang theo mặc cảm của anh nhà quê, nhìn thấy ai cũng hơn mình. Tôi dịch “Tôi yêu em” bằng cả tiếng lòng của mình. Bởi tôi cảm thấy mình đơn phương trong tình yêu. Nhưng tôi có tự trọng của tôi, dù có tình cảm với người ta thật nhưng nếu người ta nhìn tôi bằng con mắt khác, tôi không cần. Chính Puskin giáo dục cho tôi sự tự trọng ấy, dạy cho tôi sự kiêu hãnh ấy”. Có lẽ, bây giờ Thúy Toàn dịch thơ tình sẽ không thể “tình” như thời trẻ nhưng văn học Nga mãi mãi là một người tình mà cả đời ông nguyện thủy chung. Tôi hỏi Thúy Toàn, tên tuổi của ông với thế hệ 7x hoặc trước đó rất quen thuộc nhưng với giới trẻ, dường như bị lãng quên, ông có buồn? Thúy Toàn cười: “Con người cần sống với thời cuộc, với lịch sử. Ngay cả những người vĩ đại cũng không phải lúc nào cũng vĩ đại được. Huống chi là tôi, một anh “tép riu”? Nhưng tôi thỏa mãn với điều mình có, cuộc sống vẫn còn nhiều niềm vui”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy niềm vui ngoài dịch thuật của Thúy Toàn là gì?”. Ông thản nhiên: “Niềm vui của tôi là tìm được cái hay, cái đẹp trong một bài thơ, một câu chuyện”. Ngay cả niềm vui của ông cũng không nằm ngoài văn học. Mới có chuyện, ông dồn tâm sức, tiền bạc để dựng Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam, tại nơi ông sinh ra, làng Phù Lưu, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Đây là tâm huyết ông ấp ủ suốt mấy chục năm trời, phải đến năm 2015 mới hoàn chỉnh và bắt đầu đi vào hoạt động.

Có người băn khoăn: Thúy Toàn say đắm nước Nga, còn nước Việt có vị trí thế nào trong trái tim ông? Nếu nghi ngờ tình yêu nước Việt của Thúy Toàn, có nghĩa bạn chưa hiểu về ông. Chắc nhiều người thuộc bài thơ “Bạch dương” của nhà thơ trữ tình Nga Nikolai Rubtsov qua bản dịch Thúy Toàn: “Tôi yêu thích khi bạch dương xáo động/Lá bạch dương lả tả bứt rời cành/Tôi nghe bỗng rưng rưng lệ bỏng/Lại tràn mi đôi mắt đã dửng dưng”. Thúy Toàn tâm sự: “Khi dịch bài này tôi nhớ đến làng mình, đến nơi tản cư, tiếng bạch dương xáo động giống như tiếng lá tre hay âm thanh nào đó thân thuộc của quê hương mình. Lúc bấy giờ tôi ở xa đất nước nên nhớ quê da diết”.

Thúy Toàn chưa bao giờ xa lạ với thời cuộc: “Tôi làm việc gì cũng phải đem lại lợi cho người khác, cái lợi đó càng lâu bền thì càng tốt. Tôi cũng không ngại khi mang lại cái lợi trước mắt. Thí dụ, trong chiến tranh cần phải có tiếng nói để động viên thì những nhà văn, nhà thơ dùng sáng tác của họ, còn người dịch như tôi, đi tìm những bài văn, bài thơ của người nước ngoài viết về nhân dân ta để dịch. Tôi thấy những bản dịch ấy cũng cổ vũ được người này, người kia. Trong sự nghiệp - có thể hai chữ sự nghiệp hơi to với người như tôi - suốt đời tôi gắn với cái chung”. Lí do ngày trẻ ông yêu văn thơ Nga vì thơ văn Nga động viên tinh thần lớp trẻ, từ tư tưởng yêu nước đến tư tưởng độc lập tự do: “Thơ văn Nga cũng như thơ văn Xô Viết có những phẩm chất hợp thời đại cũng như hợp thế hệ chúng tôi. Thế nên tôi lao vào dịch vì muốn người khác cũng có cảm xúc như mình khi đọc một bài thơ, một áng văn”.

Dịch giả nói rằng: Cuộc đời của ông may mắn quá nhiều. Có thể đây cũng là nguyên nhân chính khiến ông không trở thành một người sáng tác: “Làm thơ hay viết văn thì phải sống. Tôi không được sống như lớp thanh niên đi bộ đội vào chiến trường, không được đứng trong hàng ngũ thanh niên xung phong lên vùng cao dạy. Tôi có tên trong danh sách những nhà văn quân đội chỉ vì hồi bé có được vào thiếu sinh quân. Nhưng thiếu sinh quân chưa gian khổ gì cả. Sau đó lại được đi học nước ngoài. Tôi không lăn lộn với cuộc sống của nhân dân dân thực sự. Đó là một thiệt thòi”, Thúy Toàn trải lòng. Nhưng ông từng có một bài thơ đăng báo trịnh trọng. Thi phẩm giàu chất liệu đời sống, viết trong dịp tác giả nghỉ phép về nước, lên Điện Biên thăm anh, hòa mình vào cuộc sống của bộ đội, được đến với bản dân tộc người Thái: “Bài thơ đăng trên báo Văn nghệ ở số đầu năm 1959, mà đăng rất oai, trên một góc báo, ở dưới có bài thơ ngắn của Chế Lan Viên, bên cạnh là bài thơ “Cánh buồm” của Hoàng Trung Thông”, dịch giả hào hứng ôn lại kỷ niệm.

“Làm cái gì ở đời, cũng phải say sưa, để hết lòng mình vào đấy thì mới thấy được cái đẹp của lao động”.

Người trẻ lo kiếm ăn, không mấy ai dịch sách

Hiện nay, không ít bạn đọc phản ánh, bộ mặt văn chương đương đại của Nga còn vắng bóng ở ta. Không ít độc giả đổ lỗi cho dịch giả, không chịu cung cấp  những “món ăn” mới, chỉ đi vào những “món kinh điển”. Thúy Toàn giãi bày: “Tôi không phải người toàn năng. Mà dịch được cái hợp với tâm hồn người đọc cũng không dễ. Người Việt Nam bây giờ trên ti vi, hay sách báo, đều chủ trương làm giàu, đề cao sự sung sướng, hưởng thụ. Tâm hồn con người thiếu chỗ để cảm nhận cái đẹp, không đồng điệu thì làm sao thấy tác phẩm văn chương hay được? Có những cuốn chúng tôi rơi nước mắt khi dịch nhưng đưa ra người ta lại dửng dưng”. Ông cười buồn: “Việc một người sung sướng trồng được cây hoa để nó nở hoa khác với việc đi mua một bó hoa với ý nghĩ bó hoa càng đắt, càng đẹp. Người đọc thì kêu thiếu văn học Nga đương đại, nhưng chắc gì họ đã chịu đọc đâu khi còn mải với quần áo đẹp, ô tô sang”. Cũng như có lần ông nói đến đội ngũ dịch văn học Nga đang thiếu với lí do: “Các bạn trẻ lo kiếm ăn, không mấy ai dịch sách”.  Thúy Toàn thoáng buồn khi nhắc đến những tác giả lớn như Maksim Gorky, giờ đây đang bị lãng quên ở ta: “Ngày 28 tháng 3 vừa rồi, kỷ niệm 150 năm ngày sinh Gorky thế mà có mấy ai nhắc đến?”.

Dịch giả Thúy Toàn: Thiệt thòi vì may mắn quá nhiều ảnh 3 Dịch giả Thúy Toàn nói chuyện với học sinh sinh viên.

Tuy nhiên, mặc những chuyện chưa như ý, Thúy Toàn vẫn tiếp tục làm việc vì tình yêu với văn học Nga, văn hóa Nga. Ở tuổi 80, một năm ông vẫn cho ra đời 1, 2 cuốn sách: “Làm cái gì ở đời, cũng phải say sưa, để hết lòng mình vào đấy thì mới thấy được cái đẹp của lao động. Còn những chuyện khác, tiền nong, thù lao, danh tiếng, có là gì đâu. Tất cả mọi thứ đi qua, chỉ còn lại sản phẩm lao động”.  Ông bật mí, đang vật lộn với những bản thảo rất hay. Nếu thực sự yêu văn chương, xin bạn đọc hãy đợi.

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.