Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, từng bước mở dần hoạt động vận tải hành khách công cộng

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính
TPO - Nhấn mạnh tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, Bộ Y tế đề nghị các địa phương từng bước mở dần các hoạt động vận tải hành khách công cộng trên đường sắt, đường bộ, hàng không trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc

Sáng 9/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo với các địa phương.

Cuộc họp sẽ đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong 2 tuần qua (từ cuộc họp ngày 25/9 của Ban chỉ đạo quốc gia tới nay); vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới...

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần vừa qua, những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, dự báo tình hình sắp tới, xác định nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc trong phòng chống dịch, tiếp tục định hướng công việc trong những tuần tới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/9 - 8/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó.

Một số địa phương ghi nhận số ca mắc cộng đồng tăng so với tuần trước, gồm: An Giang 495 ca (tăng 177 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu 72 ca (tăng 53), Bình Thuận 148 ca (tăng 45 ca), Quảng Ngãi 39 ca (tăng 32 ca), Hà Nam 25 ca (tăng 17 ca).

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.

Đến nay, có 15.759 đơn vị, doanh nghiệp với 1.473.200 công nhân, lao động đang thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” hoặc kết hợp cả “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”. Cấp Giấy nhận diện phương tiện cho khoảng 670.000 xe trên toàn quốc. Ứng dụng PC-COVID đã ghi nhận trên 25 triệu điện thoại thông minh cài đặt, chiếm 38% tổng số điện thoại thông minh toàn quốc.

Thống nhất về đi lại liên tỉnh để phục vụ sản xuất, kinh doanh

Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.

Về phương hướng trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo lưu ý các địa phương liên quan trao đổi, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tổ chức, hỗ trợ, đưa đón người dân có nhu cầu về quê bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh cho người dân trong quá trình di chuyển và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tránh gây bức xúc trong Nhân dân.

Các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về tổ chức thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Căn cứ tình hình dịch bệnh, các địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới lỏng, mở cửa đối với các hoạt động đi lại, giao thông, sản xuất, giáo dục, du lịch, dịch vụ… với lộ trình cụ thể, khả thi.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương thống nhất về đi lại liên tỉnh bằng các phương tiện của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từng bước mở dần các hoạt động vận tải hành khách công cộng (hàng không, đường sắt, đường bộ) trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

MỚI - NÓNG