Di sản với người trẻ: Bay mới hay!

TP - Không quá câu nệ vào bản gốc, cũng không có các thông điệp to lớn. Những người lấy cảm hứng từ vốn gốc của các di sản phi vật thể làm ra các tác phẩm độc lập mang hơi hướng đương đại đang tạo ra một sân chơi thu hút nhiều người trẻ.

Tác phẩm tạo ra cộng đồng

“Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận bắt đầu từ năm 2014. Chọn học sinh, sinh viên làm đối tượng chính, “Chèo 48h” có chương trình trọng điểm: “Ðưa nghệ thuật truyền thống từ sân đình về sân trường”, mở ra ở đâu, tưng bừng ở đó.

Ðêm Gala “Chèo từ sân đình về sân trường” là giai đoạn cuối trong chuỗi dự án đưa nghệ thuật truyền thống đến với sinh viên năm 2017, trong đó, nghệ sĩ biểu diễn đều là những người không chuyên. Cả hội trường KTX Mễ Trì gần như kín người. Khán giả phấn khích “kiểu như xem bóng đá”, không thiếu tiếng hát đệm vang lên từ dưới khán phòng. Ða số tỏ ra ngạc nhiên khi biết những người biểu diễn trên sân khấu đều mới chỉ học qua những khóa học 48h về nghệ thuật truyền thống như: chèo, xẩm, hát văn.

Di sản với người trẻ: Bay mới hay! ảnh 1 Sinh viên có thể biểu diễn chèo sau khi học 48h.

Từ hai năm trở lại đây, sinh viên biết đến “Chèo 48h” không phải ít. Nguyễn Thu Thủy (ÐHKHXHNV) cho biết: “Tôi đăng ký học xẩm chỉ vì tò mò. Nhưng học rồi thì thấy rất bổ ích. Thứ nhất, tôi biết thêm một môn nghệ thuật chỉ trong 48h học. Thứ hai, cách mà những người trẻ dạy những người trẻ khá thoải mái. Chúng tôi không bị quá câu nệ vào kỹ thuật, có thể “bay là là” miễn không quá trớn. Tôi còn đang nghĩ sẽ luyện thêm xẩm để có cơ may cộng điểm khi xin học bổng du học vào cuối năm sau”.

Không khó để “túm” được một sinh viên biết hát chèo đúng kỹ thuật ở khu vực ký túc xá Mễ Trì. Ða số họ cho rằng: việc học thêm hát chèo, xẩm, tuồng hoặc hát văn cũng chỉ như một khóa kỹ năng: học diễn thuyết, làm bánh hoặc guitar... “Khó quá, già quá hoặc bi thương quá đều dễ gây nản. Tóm lại truyền thống gì thì truyền thống cứ phải vui vẻ, trẻ trung sinh viên mới thích”. Trần Thanh Tùng - ÐH Hà Nội

Lê Huy Thắng (ÐH Hà Nội) nhận xét: “Trước đây tôi không bao giờ xem chèo, tuồng hay xẩm. Hôm rồi vì theo bạn gái mà đi. Thấy các bạn cùng lứa với mình biểu diễn trên sân khấu rất lạ. Nó khác với những bản mà bà tôi hay xem trên tivi. Có vẻ dễ nghe hơn”.

Hiện nay, cộng đồng của “Chèo 48h” đã lên đến hơn 3.000 người. Không khó để “túm” được một sinh viên biết hát chèo đúng kỹ thuật ở khu vực ký túc xá Mễ Trì.

Ða số họ cho rằng: việc học thêm hát chèo, xẩm, tuồng hoặc hát văn cũng chỉ như một khóa kỹ năng: học diễn thuyết, làm bánh hoặc guitar...

“Khó quá, già quá hoặc bi thương quá đều dễ gây nản. Tóm lại truyền thống gì thì truyền thống cứ phải vui vẻ, trẻ trung sinh viên mới thích” (Trần Thanh Tùng - ÐH Hà Nội).

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam cũng là một ví dụ cho việc từ tác phẩm gây dựng được cả một cộng đồng quan tâm đến tranh dân gian. Trong một dự án cá nhân, Lam dựa trên nền tảng là những bức tranh Hàng Trống, tranh Ðông Hồ như “Ngũ Hổ”, “Ông Hoàng cưỡi cá”, “Ðàn gà”, “Thiên hạ thái bình”… thêm vào một số chi tiết và bảng màu mới để bố cục hài hòa, sống động hơn. Sau khi hoàn thiện bản vẽ, những thiết kế này được xử lý qua kĩ thuật đồ họa vi tính nên nhìn “giống mà lại không giống” tranh Hàng Trống. Dự án thu hút sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trẻ nhất là trong các buổi triển lãm, talkshow. Sau đó, dựa vào những hình ảnh cách tân của Lam, nhiều họa tiết tranh dân gian đã đi vào thời trang, trên quần áo, túi xách, bao lì xì, lịch treo tường... tạo ra cả một xu hướng ăn mặc phong cách phục cổ.

Di sản với người trẻ: Bay mới hay! ảnh 2 Nghệ sĩ rối Phan Thanh Liêm và sân khấu rối độc diễn của anh.

Nhẹ hơn, đi xa hơn

Trong số các dự án làm mới những giá trị văn hóa truyền thống, dễ nhận thấy một công thức chung: càng cởi mở, cơ động thì càng có cơ may thu hút nhiều fan hơn, không chỉ là người Việt mà còn có cả người nước ngoài.

Phan Thanh Liêm với mô hình rối nước thu nhỏ là một ví dụ. Trước đây, để mang một tiết mục rối “đi đánh xứ người” là cả một nhiêu khê với mọi khó khăn đều quy về tiền. Tiền vé máy bay cho cả gánh rối, tiền quá cước đạo cụ (một sân khấu rối nước thông thường nặng tới 2,5 tấn) v.v… Vì tình yêu với rối, anh Liêm đã sáng tạo ra một loại sân khấu độc diễn chỉ nặng khoảng 400kg tháo lắp dễ dàng trong mươi phút và có thể để gọn vào một chiếc hòm con để tiện di chuyển. Ao làng thông thường được anh thay bằng một bể gỗ nho nhỏ, sau thấy bể gỗ vẫn còn nặng nề anh lại thay bằng bể tôn cho... nhẹ. Nhà thuỷ đình được Phan Thanh Liêm làm bằng chất mút, vừa nhẹ vừa dễ cuốn ra cuốn vào. Con rối lớn nhất của Liêm cũng chỉ cao khoảng 20 phân... Không khác gì một sân khấu lớn ở Nhà hát múa rối T.Ư, chỉ có điều gánh rối của Liêm vì nhỏ nên trông có vẻ ít hoành tráng hơn, bù lại là anh có thể đem sân khấu đi mọi nơi, mọi vùng miền.

Từ sáng tạo độc đáo này hiện nay anh Liêm có thể mở gánh rối biểu diễn ngay tại nhà, chỉ cần có một khán giả anh cũng diễn. Ðể thu hút thêm người trẻ, anh còn biên đạo thêm nhiều vở rối “có tính thời sự” như: an toàn giao thông, vấn đề biển đảo, an toàn thực phẩm v.v… Rối nước Việt, nhờ thế, đi được rất nhiều nơi, kể cả những sân khấu khó tính như châu Âu hay Mỹ. Anh cho biết: “Học trò đăng ký học rối bắt đầu khởi sắc, có cả những du học sinh đánh giá cao sức nặng của bản sắc sau khi đã có cơ hội va đập văn hóa. Họ nói thích đến nhà tôi vì cùng lúc có thể tìm hiểu cách làm con rối và cách điều khiển rối, sau biểu diễn nếu có gì không hiểu cũng có thể nán lại trò chuyện cho đến vỡ nhẽ mà không bị câu nệ về giờ giấc”.

Di sản với người trẻ: Bay mới hay! ảnh 3 Như Kayla với tạo hình thầy bói mù hát tiếng Anh phong cách cải lương gây bão mạng.

Vui là chính!

Một trong những hiện tượng giải trí của năm 2017 chính là các tiết mục hát tiếng Anh theo làn điệu cải lương của “cô bói mù” Kayla Nguyễn. Bản cover bài hit “What do you mean” (Justin Bieber) theo phong cách cải lương kết hợp đàn tranh của Kayla đã thu hút 2,6 triệu lượt xem tại Facebook. Sau bài hát này, số lượng fan tại trang cá nhân của cô cũng tăng gấp đôi và hiện cán mốc gần 90.000.

Kayla tên tiếng Việt là Nguyễn Thiện Như, 25 tuổi, hiện sống tại tiểu bang Pennsylvania - New Jersey, Mỹ.

Khán giả Cảnh Bình chia sẻ: “Xem Kayla hát mới thấy hóa ra cải lương không chỉ có bi thương, sầu muộn. Cải lương cũng có thể vui vẻ, chịu chơi, thậm chí gây cười”.

Nick YAN viết: “Hai năm trước, ca sĩ Hồ Quang Hiếu cover lại “Không phải dạng vừa đâu” theo phong cách hát xẩm chúng tôi mới biết xẩm là như thế nào. Sau đó có tìm nghe lại những bài xẩm “xịn” nhưng nói thật là không vào. Phải có một thay đổi gì đó, lời mới, tinh thần mới chẳng hạn, chứ không nó rất xa lạ với thế hệ 9X”.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hoa (Viện Nghiên cứu văn hóa) cho biết: “Tôi cũng là một người xem Kayla hát và cười nghiêng ngả. Lớp trẻ có thể sáng tạo bất cứ thứ gì, từ bất cứ chất liệu gì, miễn là chúng ta đừng vội phán xét. Phá cải lương thì thế nào? Xin lỗi, nhưng nếu không có những người thử phá như Kayla liệu năm mười năm nữa, cải lương còn sống không? Các vị bảo tồn cứ bảo tồn, nhưng xin đừng đem những giá trị cũ ấy làm thang bản vị để đánh giá những sáng tạo mới. Cải lương nguyên bản không ai phá vỡ được trừ khi nó tự đào thải. Nhưng nếu lấy cải lương hay bất cứ một bộ môn nghệ thuật cổ truyền nào làm chất liệu sáng tạo, tôi ủng hộ. Rất nhiều ví dụ tương tự trên thế giới đã thành công, đem nghệ thuật cổ truyền của họ đẩy lên một level khác, mà nếu cứ khư khư bảo tồn thì sẽ không bao giờ có giá trị ấy”. 

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.