UNESCO công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới

TPO - Với những giá trị đặc sắc về nội dung và hình thức như tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản triều Nguyễn chính thức được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2017.

Ngày 28/12, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) cho biết: “Năm 2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, UNESCO lại tiếp tục công nhận Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là di sản tư liệu thế giới”.

UNESCO công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới ảnh 1 Bản gốc Châu bản triều Nguyễn với bút phê của vua Tự Đức. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn (1802-1945), triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam và khu vực. Đây là khối tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế còn lưu giữ được tại Việt Nam và cũng là số ít tài liệu trên thế giới lưu giữ được bút tích của các hoàng đế trên văn bản.

Với những giá trị độc đáo hiếm có, năm 2016, Châu bản triều Nguyễn nằm trong số 130 đề cử của 80 quốc gia trên thế giới được trình lên UNESCO để xét duyệt, công nhận là di sản tư liệu của thế giới. Những đề cử này được xem xét, sàng lọc bởi các chuyên gia giỏi của Ủy ban Tư vấn đến từ nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới.

Sau một thời gian xem xét, ngày 30/10/2017, tại Paris (Pháp), Hội nghị toàn thể Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đã thông qua 78 đề cử mới trên tổng số 130 đề cử để chính thức ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới. Trong số này, Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam là một trong 78 đề cử được UNESCO chính thức công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2017.

UNESCO công nhận Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới ảnh 2 Các Châu bản triều Nguyễn được bảo quản, lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Châu bản triều Nguyễn hiện được bảo quản, lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Số tài liệu gốc này có của 11 trên tổng số 13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó lưu bút tích phê duyệt của 10 vị hoàng đế trên văn bản. Châu bản triều Nguyễn phản ánh tất cả các mặt về đời sống xã hội của vương triều nhà Nguyễn, trong đó vấn đề về chủ quyền biển đảo của Việt Nam cũng được thể hiện rất rõ trong Châu bản này.

Đến nay, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trước đó, UNESCO đã công nhận Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thế giới lần lượt vào các năm 2007, 2010, 2012. 

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.