Tư liệu quý hiếm
Cách đây ít ngày, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, cơ quan này đã bố trí cho chúng tôi lần đầu tiên được vào tham quan kho của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I để xem bản gốc CBTN. Trước khi được “tận thấy” tài liệu gốc độc đáo này, chị Trần Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) cho biết, CBTN là tập hợp toàn bộ các văn bản hành chính của triều Nguyễn từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và kết thúc khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945. Những văn bản này được nhà vua đích thân ngự phê bằng mực đỏ son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. “CBTN là tài liệu hành chính duy nhất còn lại của Vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam, là nguồn tư liệu rất quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa cũng như toàn bộ hoạt động của triều đình và đời sống xã hội nước ta thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20”- Phó Giám đốc Trần Thị Mai Hương cho biết.
Trước khi vào kho, chúng tôi phải để toàn bộ túi xách bên ngoài, chỉ được mang theo các dụng cụ hành nghề như máy quay, máy ảnh… Một cán bộ của Trung tâm cho biết, tại một số nước, để vào những kho lưu trữ như thế này thường phải khử trùng và để máy ảnh, máy quay ở ngoài.Trên đường đi bộ vào kho, vị cán bộ này cho biết thêm: Kho lưu trữ của Trung tâm trước đây được đặt tại phố Tràng Thi (Hà Nội), nhưng do nhu cầu cấp thiết phải mở rộng để chứa hệ thống tài liệu lưu trữ, nên sau 5 năm xây dựng, tới năm 2009 kho lưu trữ Quốc gia I được chuyển về trụ sở mới trên đường Vũ Phạm Hàm. Tại đây, ngoài CBTN, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I còn cất giữ nhiều tư liệu quan trọng khác như Địa bạ triều Nguyễn; tư liệu Hán-Nôm gồm sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và sách ngự lãm của các Hoàng đế trong thư viện hoàng gia trước đây; tài liệu lưu trữ hình thành từ những hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp ở cấp Liên bang Đông Dương…
Mải nghe chuyện, chúng tôi được nhắc để dừng lại trước một kho lưu trữ. Cửa mở, trước mắt mọi người là từng hàng hộp màu đỏ son được xếp đều tăm tắp trên những chiếc giá chắc chắn. Chị Nguyễn Thu Hoài, một Phó Giám đốc khác của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I cho biết, những chiếc hộp này làm bằng gỗ vàng tâm, được sơn son thếp vàng theo truyền thống của triều Nguyễn. Những chiếc hộp đựng CBTN được đặt trên những giá bằng gỗ lim có từ thời Pháp. Trước khi mở một hộp cho chúng tôi xem bản gốc CBTN, Phó Giám đốc Nguyễn Thu Hoài phải đeo găng tay để tránh ảnh hưởng đến tư liệu. Mỗi hộp chứa được cả tập châu bản, và mỗi tờ văn bản chứa đựng những nội dung khác nhau để đệ trình nhà vua. CBTN sử dụng giấy dó, chữ bằng mực đen, trong đó bút phê của nhà vua trong văn bản có màu đỏ son. Tập CBTN chúng tôi được xem được lập vào đời vua Tự Đức thứ 23, nghĩa là có cách đây cỡ 150 năm. Ngắm bút phê màu đỏ của vua Tự Đức, thấy nét chữ rất đẹp, khoáng hoạt như rồng bay phượng múa. “Qua bút phê, người đời sau biết rõ hơn Tự Đức là ông vua thi sĩ có nét chữ rất đẹp. Và cũng chỉ ở CBTN, chúng ta mới thấy được ngự phê của nhà vua, điều hiếm thấy trong hệ thống văn bản của nhiều quốc gia trên thế giới” - Phó Giám đốc Nguyễn Thu Hoài cho biết. Rồi chị cho biết thêm, hình thức ngự phê của nhà vua trong CBTN cũng đặc biệt phong phú như châu điểm, châu phê, châu khuyên, châu mạt, châu sổ và châu cải. Mỗi hình thức ngự phê trên tương ứng với một dạng ý kiến khác nhau của nhà vua như đồng ý hoàn toàn, cho ý kiến chỉ đạo, chấp thuận một điều khoản cụ thể hay sửa chữa, bác bỏ… Bút pháp của các hoàng đế cũng thể hiện những phong cách đa dạng, có nhà vua phê ngắn gọn, chữ viết chân phương như vua Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị; có vua phê lời lẽ bay bổng, chữ viết văn hoa như Tự Đức…
Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, CBTN hiện lưu được 773 tập với khoảng 85 ngàn văn bản trải dài trong 143 năm của Vương triều nhà Nguyễn. Số tài liệu gốc này có của 11 trên tổng số 13 triều vua nhà Nguyễn, trong đó lưu bút tích phê duyệt của 10 vị hoàng đế trên văn bản. Để giữ được số tư liệu gốc này đến nay là cả một công trình lớn. Bởi qua thời gian, một số tài liệu gốc không tránh khỏi bị hỏng, rách nát. Để tránh cho các tư liệu không bị hỏng thêm, các nhà chuyên môn phải bồi một lớp giấy dó tương ứng để gìn giữ. Đối với những tư liệu bị hỏng nặng, bết dính, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã phối hợp với chuyên gia nước ngoài tiến hành bóc tách, bồi giấy dó, cắt xén… để phục hồi một cách cẩn trọng theo đúng chuẩn quốc tế. Phó Giám đốc Trần Thị Mai Hương cho biết: “Để giữ gìn tư liệu, công tác bảo quản là rất quan trọng. Kho lưu trữ của Trung tâm hiện nay thuộc diện hiện đại nhất Đông Nam Á, đạt tiêu chuẩn thế giới. Nhiệt độ tiêu chuẩn để bảo vệ tài liệu từ 18-22 độ C, độ ẩm từ 45-55%, không khí phải được lọc sạch và bảo đảm lưu thông”.
Khẳng định chủ quyền biển đảo từ CBTN
Như đã nói, CBTN phản ánh mọi mặt đời sống xã hội của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Trong số này, một vấn đề rất nóng bỏng, thời sự và thiết thực hiện nay là chủ quyền biển đảo cũng được thể hiện rất rõ trong CBTN.
Trong số CBTN hiện đang lưu giữ, có những châu bản ghi lại cụ thể việc triều Nguyễn hằng năm đã cử thủy quân ra hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật…, đồng thời cũng phê chuẩn thưởng phạt trong việc bảo vệ hai quần đảo này. Đặc biệt, các châu bản này đã thể hiện Việt Nam là một quốc gia biển rất có trách nhiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn thuyền bè các nước gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Đơn cử, tại năm Minh Mệnh thứ 11, bản tấu của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ trình bày việc cứu giúp thuyền buôn của Pháp bị mắc kẹt ở Hoàng Sa ngày 27/6/1830 được chuyển ngay tới Nội các của triều đình và nhanh chóng được vua ngự phê. Hoặc châu bản có chữ ký và ngự phê của vua Bảo Đại ghi lại sự kiện: Ngày 10/2/1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị thưởng Huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ vì đã có công trong việc lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa, đến ngày 15/2/1939 vua Bảo Đại đã phê “chuẩn y”, tức đồng ý cho thi hành… Từ bản gốc của những CBTN này, chứng tỏ nhà Nguyễn đã nắm quyền quản lý và thực thi đầy đủ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn thế, đây là những văn bản mang tính quốc gia với bút phê của hoàng đế và dấu ấn của vương triều. Đó là những văn bản mang giá trị kép, vừa là tư liệu lịch sử, vừa là những bằng chứng pháp lý chắc chắn đối với chủ quyền biển đảo của nước nhà.
Với hệ thống bản gốc còn lưu lại được, CBTN xứng đáng trở thành một di sản tư liệu của thế giới. Và năm 2014, tại cuộc họp ở Quảng Châu (Trung Quốc), CBTN được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiện này có ý nghĩa: Một đất nước có tư liệu lịch sử được thế giới công nhận, thì mặc nhiên sự công nhận này có tính pháp lý quốc tế, khẳng định nền văn hóa, tính chủ quyền của dân tộc đó trong bề dày lịch sử. Chẳng thế mà xưa nay có rất nhiều nước trên thế giới đã lập hồ sơ, đệ trình lên tổ chức UNESCO xin công nhận những di sản mang nét độc đáo riêng của nhà nước hay dân tộc mình. UNESCO cũng có những tiêu chí nghiêm ngặt để xem xét, đánh giá hồ sơ mỗi bộ di sản, nên việc CBTN được tổ chức này công nhận là di sản thì giá trị của nó là vô cùng to lớn.
CBTN là di sản tư liệu thế giới thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trước đó, UNESCO đã công nhận Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thế giới lần lượt vào các năm 2007, 2010, 2012.