Quốc bảo 'Châu bản triều Nguyễn'

Quốc bảo 'Châu bản triều Nguyễn'
TP - Châu bản triều Nguyễn có những cuộc thiên di, những tản mát. Chúng đang im lìm trong cái kho thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam, để giữ cho quốc gia những bằng chứng về chủ quyền.

Kỳ 1: Chuyến tàu đêm đặc biệt

Triển lãm ấn chương triều Nguyễn
> Xem trùng tu Thái Bình Lâu - Hoàng thành Huế
> 'Ngọc' ở Trung tâm lưu trữ quốc gia IV

Toa tàu có cảnh sát áp tải

Đó là một đêm thu năm 1991. Võ Văn Sạch, Phó phòng tổ chức bộ phận sử dụng tài liệu của Trung tâm lưu trữ Quốc gia I bồn chồn sải những bước chân nôn nóng trên ga Hòa Hưng. Chỉ còn ít phút nữa tàu chạy mà hai công an như hợp đồng đã thỏa thuận vẫn không thấy xuất hiện. Trung úy Vinh cố ghìm cơn sốt ruột, mỉm cười, anh ạ nhỡ có bề gì thì hai anh em mình cũng lo được...

Tuy rất tin viên sĩ quan A25 đã mấy tháng cộng tác với mình nhưng Sạch vẫn ngán... Trên đường ra Hà Nội dằng dặc bao cây số nhỡ có bề nào? Chợt Vinh hét tướng lên tưởng như át âm thanh đoàn tàu S1 kéo còi rời ga trái với bản tính điềm đạm cố hữu. Sạch thở phào khi thấy hai anh công an mặc thường phục, không biết từ đâu chui ra đang lanh lẹ nhảy lên cửa toa hàng.

Toa hàng đen thui gắn vào đoàn tàu Thống Nhất như một vật dụng không cần thiết. Nhưng với Sạch nó là kho báu quốc gia! Xoải người trên vuông chiếu trải trên sàn toa, Sạch hồi tưởng thời gian mấy tháng qua như một cuốn phim quay chậm.

Những thông tin chẳng lành rằng kho châu bản, địa bạ cùng nhiều loại sách Hán Nôm văn khố của triều đình Huế được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II TPHCM đương có nguy cơ bị hủy hoại. Phương tiện bảo quản thiếu thốn cùng cung cách quản lý chưa tốt luôn chứa đựng những ẩn họa rình rập. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia đã phái nhiều chuyên gia trong đó có Sạch vào để tìm cách khắc phục.

Cốt lõi vẫn là bảo quản an toàn tuyệt đối cho kho châu bản cùng văn khố trong khi TPHCM chưa đủ điều kiện. Với lại, lẽ thường ở nhiều quốc gia, nơi lưu trữ những thứ báu vật ấy vẫn được đặt tại thủ đô với những phương tiện bảo quản tốt nhất cùng cung cách quản lý khoa học tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo giới nghiên cứu tiếp cận. Phương án đưa toàn bộ kho chứa châu bản địa bạ cùng văn khố triều đình ra Hà Nội được đặt ra. Kế hoạch đó vấp phải nhiều ý kiến phản ứng thậm chí khá quyết liệt của nhiều người. Nhưng rồi cũng xuôi.

Châu bản triều Nguyễn là một phần những văn kiện điều hành đất nước từ năm 1802 đến năm 1945 của 13 triều vua từ Gia Long đến Bảo Đại. Châu bản, nghĩa đen là bản chữ son (có lẽ từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu trở đi, do kỵ húy, từ chu được gọi là châu?) Chu là son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên hay châu mạt.

Điểm. Phê. Khuyên. Mạt là những động thái của vua thể hiện thái độ chấp thuận hay từ chối trước một bản tấu của các quan về một việc nào đó.

Bản tấu gửi lên vua thường bắt đầu bằng một chữ tấu. Vua đồng ý chấp thuận hết thì chấm một chấm son lên đầu chữ tấu. Động thái ấy gọi là châu điểm.

Nếu vua không đồng ý hoặc chỉ chấp thuận một phần hoặc cần thêm thông tin để quyết định việc thưởng phạt thì vua sẽ tự tay viết vào bản tấu gọi là châu phê (lời châu phê của vua Tự Đức có khi dài hơn cả lời bản tấu. Ai cũng kinh cái tài của ngài- Trần Trọng Kim).

Bản tấu ở dưới dâng lên một danh sách nhân sự hoặc vật phẩm này khác để vua lựa chọn. Nếu vua đồng ý người hay vật phẩm nào đó thì vua dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người hoặc vật phẩm. Động thái ấy gọi là châu khuyên.

Cuối cùng, những bản tấu mà vua không đồng ý thì dùng bút son quệt lên tên người hoặc việc gọi là châu mạt hay châu cải. (Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ).

Cố đô Huế chộn rộn xáo xác gần đến thời điểm mùa xuân 1975. Những tờ châu bản quý giá lần lượt lặng lẽ di lên Đà Lạt, rồi chuyển về Trung tâm lưu trữ Quốc gia II số 72 đường Nguyễn Du, TPHCM.

Ấn của nhà vua dùng trong châu bản
Ấn của nhà vua dùng trong châu bản.

Kho báu lặng lẽ

...Mọi việc cũng suôn sẻ như hành trình cái toa hàng chở những hòm xiểng đựng châu bản triều Nguyễn đeo theo đoàn tàu Thống Nhất có cán bộ A25 lẫn hai cảnh sát áp tải.

Tàu vào ga Hàng Cỏ đương đêm. Những hòm châu bản lặng lẽ dồn tụ về kho của Thư viện Quốc gia phố Tràng Thi gần đó.

Cái áo của Thư viện QG dường như chật bởi sự vạm vỡ tư liệu, nhất là khi kho châu bản được bổ sung. Chúng được đưa sang bộ phận lưu trữ tại 31B Tràng Thi ngay cạnh.

Một đề án mang tên cứu nguy tài liệu châu bản mộc bản... được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm. Khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ghé qua 31B Tràng Thi. Thủ tướng nhận thấy đề án là đúng là trúng. Nhưng ông gợi ý, trong lúc chờ đề án được triển khai, để giải quyết tình thế cấp tạm một khoản kinh phí để Trung tâm lưu trữ Quốc gia I nâng cao chất lượng bảo quản và phục vụ bạn đọc.

Có thể nói Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khang trang hiện đại bây giờ - nơi lưu trữ kho châu bản triều Nguyễn ( phố Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) ngành lưu trữ quốc gia đã gặp hên trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I Võ Văn Sạch (xin nói ngay cũng chả dây mơ rễ má gì với Thủ tướng Võ Văn Kiệt) được tin cậy giao cho việc xây cất bày biện cho kỳ xong Trung tâm rồi chuyển sang công việc mới cũng thuộc ngạch lưu trữ!

Coi sóc cơ ngơi hiện tại là thạc sĩ Hà Văn Huề. Ông Huề cho biết thêm, châu bản triều Nguyễn gần như là độc nhất vô nhị không phải trong nước mà là quốc tế. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc không có châu bản. Đời nhà Thanh chỉ lác đác không xuyên suốt chiều dài qua 13 đời vua như Việt Nam.

Ông Võ Văn Sạch bên châu bản triều Nguyễn
Ông Võ Văn Sạch bên châu bản triều Nguyễn.

Một thứ báu vật đang lưu trong kho và được khẩn trương số hóa để thuận tiện cho việc tra cứu là 17. 000 tập địa bạ tương ứng với 17.000 đơn vị hành chính của nhiều tỉnh thành nhà Nguyễn đến thời Pháp thuộc.

Chưa nói thường dân, những nhà làm quy hoạch khi lật giở những cuốn địa bạ này chắc hẳn sửng sốt bởi so với hiện trạng bây giờ thì còn quá chuyện vật đổi sao dời bãi bể nương dâu. Ông Huề cười buồn rằng, đến tra cứu tham khảo, người mình thì ít, người nước ngoài thì nhiều. Họ là những nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà báo, nhà đầu tư.

Thời điểm đăng cai tổ chức Hội nghị Pháp ngữ Francophomiem (1997), tình cờ đi qua Nhà hát Lớn, ông Huề gặp người ta đang tranh luận rất hăng việc Nhà hát Lớn sẽ khoác màu sơn gì cho phù hợp? Ông Huề buột miệng ở TT lưu trữ quốc gia đang có sẵn thứ họ đang bàn. Nhưng cũng chả thấy ai tìm đến.

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG