ĐHQG Hà Nội nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa ban hành Quyết định số 3638/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐH này với nhiều tiêu chuẩn được nâng cao.

Chuẩn tiến sỹ của ĐHQGHN cao hơn Bộ

ĐHQG Hà Nội nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ ảnh 1

Tiêu chuẩn đầu ra đào tạo tiến sĩ phụ thuộc vào quy định của mỗi trường Ảnh: Diệp An

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN cho hay Quy chế đào tạo tiến sĩ của đại học này có một số nội dung yêu cầu cao hơn quy định của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập với chuẩn mực quốc tế. Khác với Quy chế của Bộ, quy chế của ĐHQGHN yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh là tác giả chính của công bố quốc tế (một bài thuộc danh mục WoS/Scopus hoặc 2 công bố thuộc các ấn phẩm quốc tế khác).

Về tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy, Bộ GD&ĐT quy định, tiến sĩ (chưa có chức danh GS, PGS) được tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ phải là tác giả chính của tối thiểu 2 công bố khoa học trong thời gian 5 năm tính đến ngày được phân công giảng dạy; ĐHQGHN quy định tất cả các giảng viên (kể cả các GS, PGS) tham gia giảng dạy trình độ tiến sĩ đều phải có công bố đáp ứng yêu cầu này. “Quy định này tạo áp lực, đồng thời là động lực để đội ngũ giảng viên không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực chuyên môn, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

Đồng thời ĐHQGHN quy định người hướng dẫn luận án chính phải có chức danh GS, PGS hoặc có học vị TSKH. Nhưng Quy chế cũng có quy định mở, cho phép TS có các công bố quốc tế xuất sắc được hướng dẫn chính luận án tiến sĩ (có tối thiểu một công bố WoS/Scopus trong 3 năm liên tục gần nhất).

Cơ sở khoa học để ĐHQGHN đi đến quyết định nâng chuẩn được GS Nguyễn Đình Đức cho hay là nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đào tạo cũng như nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ và có ý nghĩa then chốt trong việc đổi mới giáo dục đại học và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Nỗi lo chất lượng - số lượng

Năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới (Thông tư 18), thay thế Quy chế được ban hành 2017 (Thông tư 08). Tại Thông tư 18, Bộ đã bỏ yêu cầu bắt buộc nghiên cứu sinh phải có bài công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Quy định này khiến nhiều học giả lo ngại quay trở lại tình trạng “lò ấp” tiến sĩ như trước năm 2017. Bên cạnh đó, cũng có luồng ý kiến ủng hộ vì mặt trái của công bố quốc tế chính là tình trạng mua bán bài báo khoa học đang diễn ra ngày càng tinh vi. Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ mới các trường cũng ban hành quy chế tương ứng. Tuy nhiên đến nay trừ ĐHQGHN, các cơ sở giáo dục đại học đưa nguyên văn quy định trong Quy chế của Bộ GD&ĐT vào Quy chế của trường với lý do Quy chế của Bộ đã tuyển khó, nâng chuẩn nữa sẽ không có người học, ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng đội ngũ giảng viên các ngành sau này tại trường.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Trong đó, nhấn mạnh các cơ sở giáo dục ĐH kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở đào tạo, thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau ĐH, khuyến khích kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín.

Theo tìm hiểu, với quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh đào tạo tiến sĩ đang gặp nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT thống kê cho thấy, trong 3 năm gần đây, việc tuyển nghiên cứu sinh trung bình trong cả nước chỉ đạt khoảng 30% chỉ tiêu.

Theo GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, hiện nay có ý kiến là bỏ yêu cầu công bố quốc tế vì tạo ra nạn mua bán bài báo. “Vấn đề là phải công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín có sự công nhận rộng rãi trên thế giới. Có rất nhiều tạp chí rởm vẫn lọt vào danh sách cho 2 điểm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Chống lại việc này không khó, vấn đề là Bộ GD&ĐT có quyết tâm không”, GS Trung nêu ý kiến.

Về việc quy chế mới bổ sung việc công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định với báo chí, ở thời điểm hiện tại, điều chỉnh này là cần thiết. Bà Thủy giải thích, hiện nay Việt Nam có trên 400/600 tạp chí khoa học nằm trong danh sách được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm. Hiện có 32 tạp chí được một số tổ chức khoa học quốc tế, khu vực công nhận, trong đó có WoS/Scopus.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.