Theo tìm hiểu của PV, trước khi đưa ra quyết định hết sức khó khăn là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 21 cán bộ, giảng viên, nhân viên có hợp đồng không xác định thời hạn với đơn vị, lãnh đạo Trường ĐHNT Huế luôn trăn trở và đã tìm mọi phương cách để “cứu” người lao động khỏi mất việc làm.
Theo ông Đỗ Xuân Phú, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐHNT Huế, nhà trường từng tổ chức nhiều cuộc họp bàn cách tháo gỡ đối với vấn đề HĐLĐ, nhưng ngày càng rơi vào bế tắc do khó khăn về tài chính.
Ông Phú trải lòng, 3 thành viên trong ban giám hiệu nhà trường sau khi xoay xở hết cách đã từng mang sổ đỏ gia đình đi cầm cố, thế chấp ngân hàng vay hơn 300 triệu đồng để giải quyết khó khăn về tài chính trước mắt của trường. Tuy nhiên, số tiền vay được cũng không giúp nhà trường cầm cự giữ chân người lao động được bao lâu, trước khó khăn dai dẳng về tài chính mà đơn vị gặp phải.
Người lao động tại ĐHNT Huế cho rằng, lãnh đạo nhà trường ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng người lao động là vội vàng
Tuyển sinh ngày càng khó khăn, số lượng sinh viên theo học tại trường “teo tóp” dần là nguyên nhân dẫn đến khó khăn về tài chính của đơn vị. Toàn trường hiện chỉ có tất tật chưa đầy 250 sinh viên từ năm 1 đến năm 5. Kinh phí ngân sách phân bổ về cho trường cùng với nguồn thu từ học phí sinh viên chỉ đủ cho việc chi trả lương của cán bộ, giảng viên trong biên chế.
Khoản chi phí tiền lương cho HĐLĐ là nỗi ám ảnh hàng tháng, hàng quý không chỉ đối với giới lãnh đạo mà ngay cả với người làm công ăn lương của trường. Người lao động hợp đồng của trường bị chậm lương không còn là chuyện lạ. Ngay như thời điểm hiện nay, ĐHNT Huế còn nợ lương tháng 8 và 9 của bộ phận lao động hợp đồng.
Được biết, ĐHNT Huế hiện có 101 cán bộ, giảng viên, nhân viên; với 23 trường hợp lao động hợp đồng, còn lại là cán bộ thuộc biên chế. Đối với cán bộ thuộc biên chế, ngân sách trả 70% lương, 30% còn lại trường tự cân đối các nguồn thu chi để đáp ứng. Riêng lao động hợp đồng, nhà trường phải trả lương bằng nguồn tự xoay xở toàn bộ 100%. Cũng vì quá khó khăn về kinh phí hoạt động, đặc biệt là chuyện lương tiền, nên vào tháng 8/2019 vừa qua, ĐHNT Huế từng có tờ trình xin mượn quỹ lương của Đại học Huế để trả tiền lương cho bộ phận HĐLĐ nhưng không được chấp nhận.
Danh sách 21 lao động hợp đồng phải ngừng việc taijDDHNT Huế
Chia sẻ khó khăn về tài chính với nhà trường, tuy nhiên, hiện có không ít ý kiến từ người lao động hợp đồng tại ĐHNT Huế không đồng tình việc cắt giảm lao động cùng một lúc đối với nhiều cán bộ, nhân viên như vậy.Theo họ, việc chấm dứt HĐLĐ cần có lộ trình, nhằm bảo đảm công bằng về bề dày đóng góp của từng lao động, đồng thời, tránh gây sốc khi có hàng loạt cán bộ, nhân viên cùng bị “bật bãi”.
Theo ý kiến của bộ phận lao động hợp đồng, đáng lẽ ban giám hiệu nhà trường nên kéo giãn lộ trình cắt giảm nhân sự ra nhiều năm, thiết lập bảng điểm “tích lũy” cụ thể và công khai về bề dày đóng góp của từng người để có đánh giá khách quan. Ai ít điểm thì chấm dứt hợp đồng trước. Có như vậy, người nghỉ sớm cũng cảm thấy thoải mái.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong 21 cán bộ, nhân viên có tên trong danh sách chấm dứt HĐLĐ tại Trường ĐHNT Huế theo Thông báo số 45 vào ngày 10/10 vừa qua, sẽ có 15 trường hợp hết hiệu lực hợp đồng ngay trong tháng 11/2019 này, những trường hợp còn lại sẽ nghỉ việc vào năm sau do sinh con, nghỉ thai sản sau 12 tháng. Người nghỉ việc chậm nhất là vào 1/11/2020.
Trước đó, như tin đã đưa, hơn 20 cán bộ, giảng viên, nhân viên gắn bó nhiều năm tại Trường Đại học Nghệ thuật (ĐHNT) - Đại học Huế vừa được lãnh đạo trường đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Lý do, trường không còn tiền trả lương (!)
Đây là một thực tế gây sốc, bởi Trường ĐHNT Huế vốn là cái nôi đào tạo mỹ thuật của miền Trung và cả nước nhưng nay lại không còn đủ tiền trả lương cho lao động hợp đồng, khiến hàng loạt người lao động mất việc.