Lãnh đạo Đại học Huế (ĐH) đã xác nhận thông tin trên, còn phía Ban giám hiệu Trường ĐHNT Huế cũng vừa có báo cáo lên ĐH Huế về tình hình, lộ trình chấm dứt HĐLĐ đối với 21 cán bộ, nhân viên công tác lâu nay tại trường do khó khăn về tài chính, nguồn tuyển sinh đầu vào hạn chế, thu không đủ chi.
Trước đó, vào ngày 10/10/2019, Phó hiệu trưởng ĐHNT Huế Đỗ Xuân Phú ký ban hành Thông báo số 45/TB-ĐHNT về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng không xác định thời hạn đối với 21 cán bộ, nhân viên trường này. Theo Thông báo 45, nhà trường chính thức thông báo chấm dứt HĐLĐ đối với toàn thể lao động hợp đồng không xác định thời hạn, gồm 21 người, vì “lý do tài chính”.
Cũng vì “lý do tài chính”, ngày 12/7/2019, ĐHNT Huế từng có Tờ trình số 03/TTr-ĐHNT gửi ĐH Huế về việc xin mượn quỹ lương biên chế để chi trả lương HĐLĐ của trường này. Đến ngày 9/8/2019, ĐH Huế có Công văn số 1091/ĐHH-KHTC phản hồi không đồng ý với đề xuất của ĐHNT Huế mượn quỹ lương biên chế để chi trả lương HĐLĐ.
Theo một lãnh đạo ĐH Huế cho biết, khoảng 3 năm lại đây, ĐHNT Huế thường xuyên gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ngay như PGS.TS Phan Thanh Bình khi còn làm hiệu trưởng trường này từng than: “3 năm trở lại đây, tuyển sinh vào trường giảm mạnh đến mức bất ngờ và gây sốc”.
Từ chỗ trường luôn duy trì lượng tuyển sinh đầu vào từ 250-300 thí sinh như trước đây, thì gần đây, trường chỉ tuyển được dưới 50% chỉ tiêu, có năm chỉ 60-65 thí sinh. Toàn trường có dưới 500 sinh viên, giảm 1/3 so với trước đây và được dự báo khả năng còn giảm mạnh.
Được biết, mỗi năm ngân sách cấp cho Trường ĐHNT Huế 6,5 tỷ đồng để trả lương, với gần 700 triệu đồng chi tiền lương mỗi tháng cho cán bộ, giảng viên nhà trường. Việc quỹ lương không đảm bảo, tuyển sinh đầu vào khó khăn, thu không đủ chi nên trường không còn đủ khả năng tài chính chi trả lương cho cán bộ, giảng viên. Đến nay, ĐHNT Huế còn nợ lương tháng 8 và 9 của bộ phận lao động hợp đồng.
Trước đó, với những khó khăn về tài chính của trường, phía ĐH Huế luôn chia sẻ, hỗ trợ các nguồn lực về đầu tư cơ sở vật chất, thậm chí nhiều lần cho giải quyết tạm ứng kinh phí để trả lương cho cán bộ, nhân viên của trường trong điều kiện khó khăn, chậm trễ về thu học phí từ sinh viên để bù đắp các khoản chi của trường.
“Tuy nhiên, tình trạng này không thể cứ kéo dài. Việc tinh giản đội ngũ, chấm dứt hợp đồng đối với lao động có hợp đồng không xác định thời hạn là điều bất khả kháng, không sớm thì muộn gì rồi cũng phải làm tại Đại học Nghệ thuật Huế. Việc sớm chấm dứt hợp đồng sẽ tạo cơ hội cho người trẻ tiếp cận, tìm kiếm công việc mới”, ông Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế, chia sẻ. Vị này cho rằng, việc tinh giản, chấm dứt HĐLĐ sẽ không tránh khỏi tạo những tâm tư, nỗi niềm đối với người lao động, nhưng không còn cách nào khác. Đại học Huế sẽ chỉ đạo ĐHNT Huế giải quyết vấn đề này với tinh thần hợp tình, hợp lý nhất.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong 21 cán bộ, nhân viên có tên trong danh sách chấm dứt HĐLĐ tại Trường ĐHNT Huế theo Thông báo số 45, sẽ có 15 trường hợp hết hiệu lực hợp đồng ngay trong tháng 11/2019 này, những trường hợp còn lại sẽ nghỉ việc vào năm sau do sinh con, nghỉ thai sản sau 12 tháng. Trước Trường ĐHNT Huế, tại ĐH Huế cũng từng có Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - ĐH Huế buộc phải chấm dứt hợp đồng đối với gần 20 lao động vào năm 2018, với lý do tương tự.