Không hùng vĩ, uốn lượn mềm mại như những dải lụa bậc thang phía Bắc, ruộng bậc thang miền Trung - Tây Nguyên xuất hiện nhỏ lẻ, len lỏi giữa những vạt rừng trùng điệp hay ẩn mình trong màu đất đỏ bazan.
Lọt thỏm giữa bốn bề núi đá.
Ruộng bậc thang ở Tây Nguyên hình thành phần lớn do các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số ở phía Bắc như Mông, Tày, Nùng, Dao… di cư vào tạo nên. Họ thường chọn vùng đồi núi định cư, sau đó cải tạo các triền đồi núi dốc thành những thửa ruộng bậc thang để thâm canh lúa nước. Do đặc điểm địa hình, ruộng bậc thang ở đây thường thoai thoải rộng, có bậc lại thẳng tăm tắp, có đoạn như hình vòng cung… Chính sự không đồng đều này làm nên dấu ấn riêng, khác ruộng bậc thang Tây Bắc.
Lúa vàng rực rỡ.
Ở miền Trung, dễ dàng bắt gặp hình ảnh ruộng bậc thang là đồi chè, ruộng lúa vùng Đông Giang, Tây Giang thuộc tỉnh Quảng Nam; Ba Tơ, Sơn Tây- Quảng Ngãi. Tây Nguyên có ở các nơi như Măng Buk, Măng Đen, rẻo cao Ngọc Linh… ở tỉnh Kon Tum; Gia Lai có ruộng bậc thang ở huyện Chư Sê; Ruộng bậc thang Đắk Lắk tập trung ở các huyện Cư Mgar, Lắk, Krông Bông. Ruộng bậc thang ở tỉnh Lâm Đồng chủ yếu là các đồi chè, vườn rau, vườn hoa ở ngoại ô thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương,..