Đề xuất quy định rõ trang phục đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng, cần quy định rõ ràng, chi tiết về yêu cầu trang phục của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường.
Đề xuất quy định rõ trang phục đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh QH

Ngày 25/7, Văn phòng Quốc hội và Ban soạn thảo Dự thảo Nghị quyết Ban hành nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Ban soạn thảo, dự thảo đề xuất 24 vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Dự kiến nội dung này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 tới đây.

Theo kinh nghiệm, Nghị viện các nước thường có luật riêng về hoạt động của Quốc hội (gọi là Nội quy nghị viện hay Luật về nghị viện), đó là luật nội bộ với vai trò rất quan trọng, chủ yếu quy định về trình tự, thủ tục làm việc của nghị viện.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho rằng với kinh nhiệm 76 năm hoạt động và tinh thần đổi mới Quốc hội, cần sửa đổi một số điều về Nội quy Kỳ họp, trong đó có việc quy định rõ ràng, chi tiết về yêu cầu trang phục của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường, nhấn mạnh trách nhiệm của DBQH phải tham gia các Kỳ họp,…

Đặc biệt, ông Phạm Thái Hà cho rằng, với thành tựu khoa học công nghệ hiện nay và việc vận hành Trung tâm cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cần rút ngắn thời gian giữa Đại hội Đảng và việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước. Cụ thể, nên ấn định Ngày bầu cử ĐBQH và HĐND sớm hơn có thể là ngày 2/3 của năm chuyển giao nhiệm kỳ (ngay sau khi Đại hội Đảng kết thúc) để sau 60 ngày, bộ máy nhà nước Khoá mới sẽ ra mắt ngay tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới (khai mạc vào ngày 20/5 cùng năm- thay vì thời điểm này mới là dịp bầu cử- PV).

Đề xuất quy định rõ trang phục đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường ảnh 2

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà

Theo ông Phạm Thái Hà, quy định này sẽ bảo đảm sự thống nhất của pháp luật, tính liên tục của quản lý nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cùng một số đại biểu cho rằng, cần phân tích rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là nguyên nhân từ quy trình chính sách để có biện pháp tổng thể khắc phục bất cập trong việc chậm gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội.

Đối với việc biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay, tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM không thể tham dự tập trung tại Nhà Quốc hội, phải họp trực tuyến tại trụ sở của Đoàn.

Khi đó phần mềm biểu quyết được cài đặt trên thiết bị di động của đại biểu Quốc hội chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, tại phiên biểu quyết thông qua nội dung của kỳ họp, không thể tiến hành đồng nhất một hình thức biểu quyết đối với các vị đại biểu tại Nhà Quốc hội và ở TPHCM.

Đề xuất quy định rõ trang phục đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính trang nghiêm của nghị trường ảnh 3

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu. Ảnh QH

Để bảo đảm tính pháp lý, một số đại biểu đề nghị bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, áp dụng hình thức này chỉ trong trường hợp bất khả kháng. Những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần biểu quyết thống nhất bằng hình thức biểu quyết điện tử để xác định chính xác số lượng tán thành, không tán thành, không biểu quyết.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các hình thức biểu quyết khác nhau và mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau sẽ khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội. Do đó, việc sử dụng hình thức hỗn hợp này chỉ nên áp dụng trong một số trường hợp bất khả kháng để bảo đảm quyền được biểu quyết của đại biểu Quốc hội.

Kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội có tầm quan trọng then chốt đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14, tháng 8/2022.

MỚI - NÓNG