Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 7 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH

Sáng 12/7, báo cáo tổng kết kỳ họp tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá, sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Các luật, nghị quyết được thông qua có nhiều chính sách mới, tiến bộ; các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, có ý nghĩa quan trọng.

Phát huy kết quả đạt được tại kỳ họp trước, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục khẳng định Quốc hội luôn quyết tâm đổi mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. “Những nội dung chất vấn thiết thực, vừa có tính thời sự, vừa mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân”, ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã bổ sung nội dung về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp và thực hiện các thủ tục theo quy định của Hiến pháp, pháp luật để tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long vì đã có những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Công ty Việt Á.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Thư ký, công tác chuẩn bị một số nội dung vẫn còn chậm, thời gian xin ý kiến ngắn, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến để đóng góp tham gia của đại biểu Quốc hội, nhất là đối với những nội dung lớn, hồ sơ tài liệu nhiều.

Một số dự án Luật chưa đánh giá sâu tác động của chính sách đến đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách, như Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở…quy định còn chung chung, phải chờ văn bản quy định chi tiết; có dự án có những nội dung chưa được chuẩn bị chu đáo, ý kiến còn chưa thống nhất, như Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Bùi Văn Cường cho biết, công tác lập pháp sẽ diễn ra trong 10,5 ngày. Trong đó sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 7 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai sửa đổi; các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác trong 9,5 ngày.

Dự kiến Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm

Kỳ họp cuối năm này cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (hội trường: 3 ngày).

Như vậy, dự kiến Quốc hội làm việc 22 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10, dự kiến bế mạc vào ngày 18/11.

“Để bảo đảm tiến độ gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đại biểu có thời gian nghiên cứu và khắc phục dần tình trạng chậm gửi tài liệu, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 9/2022, tại phiên họp tháng 10/2022 chỉ cho ý kiến đối với những nội dung thật sự cần thiết”, ông Bùi Văn Cường cho hay.

MỚI - NÓNG