Đề xuất bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp ngăn dự án 'ma'

TPO - HoREA vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp do có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Đề xuất bỏ quy định cho phép tách thửa

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp nhằm tránh trục lợi.

Đề xuất bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp ngăn dự án 'ma' ảnh 1 HoREA đề xuất bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp.

Theo ông Châu, Luật Đất đai 2013 quy định chỉ cho tách thửa “đất ở tại nông thôn” và tách thửa “đất ở tại đô thị” nhưng, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Ông Châu cho rằng, quy định này đã cho phép tách thửa đối với “từng loại đất”, có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… Điều này thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị.

Do đó, Chủ tịch HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó, có đất nông nghiệp vì không phù hợp với Luật Đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.

Chính phủ mới ban hành nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1/2020. Theo đó, những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở không đúng quy định sẽ bị phạt lên tới 1 tỷ đồng.

Phân lô bán nền dự án 'ma', loạt giám đốc địa ốc vướng lao lý

Năm 2019 thị trường địa ốc chứng kiến hàng loạt vụ lừa bán dự án "ma" khiến hàng nghìn người sập bẫy. Công an TP HCM liên tiếp bắt lãnh đạo các công ty bất động sản lập dự án ma lừa bán cho người dân, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như Địa ốc Alibaba, Angel Lina, Hoàng Kim Land.

Trong đó, một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba). Công an TP.HCM đã công bố 43 dự án “ma” của Địa ốc Alibaba ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty Alibaba đã thu được hơn 2.500 tỷ đồng từ việc ký kết hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng.

Đề xuất bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp ngăn dự án 'ma' ảnh 2  Địa ốc Alibaba vẽ hàng chục dự án "ma" trên đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền lừa bán cho người dân.

Ngay sau “cú lừa” của Alibaba, một loạt công ty kinh doanh đất nền khác tiếp tục được phanh phui. Đầu tháng 11, cơ quan công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty này tự xưng là chủ đầu tư của hàng loạt dự án ma tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân… rồi quảng cáo, mời gọi người mua góp vốn đầu tư. Sau khi thu tiền, Công ty Angel Lina đã không thực hiện đúng cam kết. Người mua không được giao đất cũng không thể lấy lại khoản tiền đã đóng.

Một doanh nghiệp chuyên vẽ dự án "ma" khác bị điều tra là Công ty TNHH tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land). Giám đốc công ty này là bà Trần Thị Hồng Hạnh, người đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất nền tại bảy dự án không có thật, không được cấp phép đầu tư ở vùng ven TP.HCM với hàng trăm khách hàng, hòng chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng. Cuối tháng 11/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Hạnh.

Các chiêu trò bán dự án ma không chỉ xuất hiện ở TP HCM và các tỉnh lân cận phía Nam mà còn bị phát hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Mới đây, ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Nguyễn Thanh Hùng (SN 1994, giám đốc công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xây dựng đầu tư phát triển địa ốc Bình Dương (gọi tắt là Bình Dương City Land) và phó giám đốc Hoàng Anh Vui (SN 1994). Hai lãnh đạo công ty này bị tạm giam 4 tháng để điều tra, làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Trước đó, sau khi nhận đơn tố cáo của người dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra. Qua đó, xác định Nguyễn Thanh Hùng và Hoàng Anh Vui liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán đất nền tại các dự án: Khu dân cư Phúc Long City, khu dân cư Happy Home tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo và khu nhà ở Phúc Long 1, Phúc Long 2, khu dân cư Green City, khu dân cư Green City 2, khu dân cư Green City 3 tại xã Lai Hưng, Bàu Bàng.

MỚI - NÓNG