Đề Văn tốt nghiệp THPT 2022: Vừa sức, sẽ có điểm 10?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các giáo viên đánh giá, đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2022 năm nay vừa sức, phân loại tốt thí sinh, dự đoán sẽ xuất hiện bài thi điểm 10.
Đề Văn tốt nghiệp THPT 2022: Vừa sức, sẽ có điểm 10? ảnh 1

Đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2022

Tiến sĩ văn học Trịnh Thu Tuyết nhận định, đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi TNTHPT năm 2022 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Cụ thể như sau:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo ba mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết: câu 1 yêu cầu xác định thể thơ; câu 2 yêu cầu nhận biết yếu tố từ loại trong 4 câu thơ đầu – đó là những yêu cầu dừng lại ở mức độ thuần túy nhận biết và không hề làm khó cho thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức Tiếng Việt, tu từ để phân tích và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ – câu hỏi này không khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích được đồng thời cả giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm của hai phép so sánh “như sao trời mát mắt…như lửa thiêng liêng…”

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh nhận xét về những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ được thể hiện trong đoạn trích. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh phải nhận ra được những suy ngẫm của tác giả về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ đối với đất nước, chủ yếu thể hiện trong 6 câu cuối đoạn, đồng thời thể hiện quan điểm riêng của mình để có thể nhận xét một cách sâu sắc, thấu đáo với cả sự chia sẻ hoặc phản biện.

Nhìn chung, phần Đọc hiểu khá vừa sức với thí sinh nhưng có thể sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, trước hết bởi ngữ liệu là một đoạn thơ chưa thật sự đặc sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật khi nói về tuổi trẻ và sự hi sinh của tuổi trẻ với đất nước; sau đó là các câu hỏi của phần vận dụng, vận dụng cao chưa thực sự đặt ra những vấn đề có khả năng khơi gợi những hướng tư duy sâu sắc, mới mẻ cho thí sinh.

Với phần II – Làm văn (7,0 điểm), cô Tuyết cho rằng, đề giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”. Nếu nhìn tổng thể những khía cạnh có thể yêu cầu nghị luận về một vấn đề như: biểu hiện, nguyên nhân, ý nghĩa/hậu quả, giải pháp, bài học nhận thức và hành động cho bản thân… thì yêu cầu “trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước” hướng tới khía cạnh cuối cùng – đó là liên hệ thực tế với nhận thức và hành động của bản thân và cộng đồng, cụ thể là của thế hệ trẻ. Yêu cầu này có thể đưa đến những cách suy nghĩ xúc động, chân thành nhưng không ngoại trừ những bài viết chung chung, hô khẩu hiệu, sáo rỗng…

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: sau đoạn trích của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu: phân tích đoạn trích trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” và “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Đoạn trích ngắn miêu tả phát hiện thứ nhất của Phùng về “chiếc thuyền ngoài xa” – “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” với suy nghĩ, cảm xúc và những nhận thức, phát hiện mới mẻ, bất ngờ về sức mạnh kì diệu của cái Đẹp – đó là yêu cầu vừa sức với thí sinh trong đề thi có thời lượng 120 phút cho 3 câu.

Yêu cầu thứ hai đề cập đến một trong những giá trị của tình huống nhận thức cũng là đơn vị kiến thức quen thuộc với thí sinh, và có thể mở ra những suy nghĩ sâu sắc độc đáo hơn về “mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”.

Câu NLVH tuy đề cập những đơn vị kiến thức cơ bản và quen thuộc nhưng khi đặt ra sự liên hệ với hình ảnh con thuyền trong hai thời điểm (đầu và cuối truyện), trong 2 cự li (chiếc thuyền khi ở ngoài khơi xa, được cảm nhận như một cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh; và chiếc thuyền đang vật vã chống chọi với sóng gió giữa cơn bão biển dữ dội ở cuối truyện, gợi ra những suy tư bất an về thân phận con người), thì đã tạo ra một góc nhìn tương đối mới mẻ, có khả năng khơi gợi hứng thú và những suy nghĩ sâu sắc cho thí sinh.

Tiến sĩ văn học Trịnh Tuyết nhận xét, đề thi Ngữ văn trong kì thi TNTHPT 2022 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.

“Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo”- cô Tuyết nhận định.

Sẽ xuất hiện điểm 10?

Cô Ngô Thị Nhung, trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đánh giá, đề Văn thi tốt nghiệp THPT năm nay hay, trong từng câu đều có những ý hỏi nâng cao nhằm giúp phân loại năng lực cảm nhận, phân tích của từng thí sinh. Cô dự đoán, phổ điểm thi năm nay sẽ nằm trong khoảng 6 - 7,5 điểm.

“Về đề thi này, thí sinh nào biết phân tích sâu, vận dụng thêm các ví dụ thực tế một cách logic thì rất có thể sẽ xuất hiện bài thi điểm 10”- cô Nhung nói.

Nhận xét về đề sáng nay, cô Nhung cho rằng, câu hỏi hay và dễ lấy điểm nhất là phần nghị luận văn học phân tích truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" của nhà văn Nguyễn Minh Châu, các em cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm. Sau khi có kiến thức nền tảng, cần vận dụng để rèn luyện kỹ năng tạo lập các văn bản nghị luận văn học. Trên cơ sở đó các em vừa ôn lại kiến thức vững chắc, vừa có kĩ năng xử lý thành thạo các dạng bài nghị luận văn học.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cũng có chung nhận định, mức độ đề thi năm nay khá dễ, phổ điểm sẽ từ 5,5 cho đến 7,5. Cấu trúc và mức độ kiến thức khá thống nhất với đề mẫu của Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó nên không bất ngờ đối với thí sinh.

"Các em có lực học khá sẽ viết tốt. Câu nghị luận văn học cách ra đề khá hay. Đề dễ nên phổ điểm sẽ từ 5,5 cho đến 7,5”, cô Nga dự đoán.

MỚI - NÓNG
Đầu tuần tới Hà Nội qua đỉnh rét
Đầu tuần tới Hà Nội qua đỉnh rét
TPO - Thông tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực Thủ đô Hà Nội đang chịu ảnh hưởng chung từ đợt không khí lạnh tác động. Dự kiến đỉnh điểm đợt rét này khoảng ngày 8 - 9/12. Ít ngày sau đó thời tiết trời lạnh duy trì.
Địa ốc 24H: TPHCM sẽ có thêm 3.800 căn NƠXH; đấu giá khu đất ‘vàng’ xây tổ hợp 2.500 tỷ
Địa ốc 24H: TPHCM sẽ có thêm 3.800 căn NƠXH; đấu giá khu đất ‘vàng’ xây tổ hợp 2.500 tỷ
TPO - Hà Nội yêu cầu tránh tổ chức đấu giá tại nơi có giá khởi điểm thấp; Đấu giá lại 36 thửa đất sau vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2; TP HCM sẽ có thêm 3.800 căn nhà ở xã hội; Bình Định đấu khu đất ‘vàng’ xây tổ hợp khách sạn 2.500 tỷ đồng;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 8/12.