Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia đầu tiên

Đề văn không khó, tránh được học vẹt

Đề văn không khó, tránh được học vẹt
TP - Hôm qua, kết thúc ngày thi thứ 2 kỳ thi THPT Quốc gia, tiếp tục là một ngày thi dễ thở với các thí sinh bởi đề thi không khó, đặc biệt là môn Văn khi các vấn đề thời sự như biển đảo, vô cảm tiếp tục được đề cập…

Đề Văn khơi gợi cảm xúc và sáng tạo

Nguyễn Thành Đạt (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, đề thi chính thức không khó như đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Theo Đạt, phần đọc – hiểu của đề chỉ cần nắm vững kiến thức về các thể loại văn bản, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, ngữ pháp Tiếng Việt… là có thể hoàn thành.

Thanh Tùng (THPT Thường Tín, Hà Nội) ấn tượng với đề văn bởi hơi thở của cuộc sống đương đại hiện diện trong nhiều câu hỏi. Theo Tùng, chủ quyền biển đảo, thói thờ ơ, sự vô cảm của con người hiện đại hay tầm quan trọng của kỹ năng sống là những vấn đề thiết thân, gần gũi với giới trẻ. Chính vì thế, thí sinh dễ dàng triển khai, hoàn thành bài thi.

Tại điểm thi THCS Tây Sơn (Thái Bình) , Đỗ Ngọc Hải (THPT Nguyễn Trãi, Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ: “Đề văn hay, dễ hiểu và dễ triển khai. Những vấn đề mang tính thời sự, gần gũi với giới trẻ cho thấy hướng mở của đề thi. Tính mở trong cấu trúc đề thi khơi gợi cảm xúc, sự sáng tạo của thí sinh. Quan trọng là lối học vẹt như ghi nhớ máy móc, thuộc lòng, trả lời theo khuôn mẫu sẽ không thể tồn tại”.

Ghi nhận của PV tại điểm thi trường ĐH Sư phạm TPHCM (quận 3), mới hơn 10 giờ (mới 2/3 thời gian làm bài thi) đã bắt đầu có thí sinh nộp bài xin ra khỏi phòng thi. Đến 10h20 phút, số lượng thí sinh ra khỏi phòng thi ở điểm thi này lên đến trăm học sinh, nhưng chưa được phép ra ngoài.

Thí sinh Võ Nhật Anh, học sinh trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TP Vũng Tàu cho hay, đề thi tương đối dễ thở nhưng hơi dài. “Đề tập trung nói về các vấn đề thời sự trong cuộc sống như nói về người lính biển đảo (trích đoạn thơ Đảo Thuyền Chài của nhà thơ Trần Đăng Khoa - PV); nói về sự vô cảm trong cuộc sống…”, Anh chia sẻ.

Anh cho biết thêm: “Câu hỏi người lính biển đảo khá thú vị bởi so với các đề trước đây, đa phần chỉ nói đến vấn đề biển Đông chung chung, còn giờ đi vào người lính cụ thể. Tuy nhiên, theo em đề thi chỉ tập trung ở phần lớp 12 và mang tính thời sự ai cũng biết nên với đề thi này, em làm tầm khoảng 6- 7 điểm”, Anh nói.

Đề văn không khó, tránh được học vẹt ảnh 1

Thí sinh trao đổi sau môn thi Vật Lý.

Đề văn đổi mới, người chấm cũng phải đổi mới

Nhận định đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm nay, Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TPHCM cho biết: “Đề thi có bố cục chặt chẽ, hợp lí, đánh giá được khả năng và phân loại học sinh, được ra theo ma trận không khác nhiều so với đề thi mẫu mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó. Tuy nhiên, đề thi quá dài có thể gây hoang mang cho thí sinh ngay từ lúc nhận đề thi”, ông Khanh nhận định.

Phân tích về đề thi, ông Khanh cho biết, phần đọc hiểu với 8 câu hỏi không quá khó, học sinh tập trung làm bài sẽ làm được. Tuy nhiên, cũng rất dễ xảy ra sai sót do đề dài.

Ở phần nghị luận xã hội, vấn đề đặt ra khá tiệm cận với học sinh phổ thông và dễ làm hơn so với những năm trước, bởi lẽ vấn đề kĩ năng sống là những khái niệm không còn quá xa lạ với học sinh. Còn ở phần Nghị luận văn học, đề cho một đoạn ngữ liệu trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, yêu cầu học sinh cảm nhận về nhân vật người đàn bà làng chài. Sau đó, học sinh cần phải trình bày thêm cách nhìn cuộc sống và con người của nhà văn Nguyễn Minh Châu qua tác phẩm.

“Đề thi khá nhẹ nhàng, nhưng hoàn toàn tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt. Bên cạnh đó, nhân vật người đàn bà làng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu cũng đã được đề cập trong đề thi thử của Sở GD&ĐT TPHCM vừa qua, vì thế, các em học sinh tại TPHCM sẽ có được một ưu thế rất lớn. Dự đoán điểm thi môn Ngữ văn đạt điểm từ 7 trở lên sẽ rất cao” ông Khanh nhận định.

Đồng quan điểm đề Văn hay và phân loại tốt, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Văn trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM cho biết: “Đề Văn năm nay đã đáp ứng được yêu cầu là không buộc học sinh phải tuân theo chủ đề của người ra đề, không áp lực phải ngợi ca mà học sinh được thỏa sức sáng tạo, đưa ra chính kiến, phản biện trái chiều của mình”.

Cụ thể, hai văn bản đọc hiểu của đề Văn không nằm trong chương trình SGK, đòi hỏi học sinh phải tìm tòi, vận dụng, sử dụng các kiến thức và các kỹ năng văn học như tiếp nhận văn bản, tạo lập văn bản… để làm bài nên tránh được tình trạng học tủ, học chép.

Bên cạnh đó, đề có 10 câu, nhiều người cho rằng đề dài nhưng thật sự không dài, đặc biệt là phần đọc hiểu chỉ có 3 điểm nhưng có đến 8 câu hỏi. “8 câu hỏi ở phần đọc hiểu đa phần ở cấp độ đơn giản, là những câu hỏi không buộc thí sinh phải suy nghĩ nhiều vì chỉ kiểm tra những kiến thức cơ bản. Riêng câu 4, đề yêu cầu nêu cảm nghĩ của mình về những người lính biển đảo nhưng có giới hạn nên góp phần giúp học sinh thể hiện được khả năng lô gích, vận dụng của bản thân”, bà Hiền phân tích.

“Tuy nhiên, với đề thi đổi mới này, người chấm cũng phải nắm được tinh thần đổi mới nếu không học sinh rất dễ thiệt thòi bởi như đề Văn trước đây, chủ yếu chỉ đánh giá kiến thức văn học còn giờ vừa đánh giá kiến thức, vừa đánh giá năng lực, khả năng vận dụng các kiến thức văn hóa, vốn sống của học sinh. Vì thế, người chấm Văn bây giờ không còn đếm ý chấm điểm nữa mà đòi hỏi cũng phải vận dụng, liên tưởng, lập luận như học sinh”, bà Hiền cho biết.

Không khó nhưng khó đạt điểm cao

Sau giờ thi môn Văn, sáng 2/7/2015, một giáo viên thuộc ĐHQG Hà Nội nhận xét:  đề hơi dài, rườm rà và không hay lắm. Nhìn chung, đề thi không khó nhưng khó được điểm cao là nhận xét của giáo viên dạy môn Ngữ văn này.

Về câu hỏi nghị luận xã hội, cô giáo phân tích,  câu hỏi quá tuyệt vời về lý tưởng nhưng chỉ giáo viên có vốn sống, tích luỹ được nhiều kiến thức mới có thể làm hay; với học sinh, vốn sống không phong phú, nên không phải thí sinh nào cũng đủ năng lực để có thể viết hay. Nếu câu hỏi thi gần gũi hơn với những vấn đề liên quan đến phẩm chất con người, lòng yêu nước … thì thí sinh sẽ có thể viết  cảm xúc hơn là câu hỏi hơi khô khan,  nặng về luân lý,  đạo đức như câu hỏi thi năm nay. Vì vậy , các bài viết của thí sinh, theo giáo viên này, sẽ na ná như nhau, mà khó có bài hay, dạt dào cảm xúc hay thuyết phục vì  không phải học sinh  nào cũng  đủ năng lực để trả lời câu hỏi như thế. Với đề thi này, cô giáo nhận xét,  thí sinh không khó đạt điểm 5-6  nhưng điểm 8-9 thì không dễ.       

  Hồ Thu

Nhiều thí sinh sẽ đạt điểm cao môn Lý

Về môn Vật lý, ông Bùi Bá Quang, giáo viên dạy Lý trường THPT Thành Nhân, TPHCM nhận định, đề có sự phân hóa tốt và đáp ứng được hai yêu cầu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Theo đó, đề thi tập trung ở chương trình lớp 12, có 60% câu hỏi dễ ở mức độ cơ bản nên học sinh trung bình vẫn có thể đạt được từ 5-6 điểm; 20% ở mức độ vừa phải, đòi hỏi học sinh phải hiểu và vận dụng để lấy điểm 7- 8 và 20% còn lại đòi hỏi học sinh phải vận dụng cao mới có thể đạt được điểm tối đa”, ông Quang phân tích.

Ngoài ra, so sánh với đề thi ĐH, CĐ năm 2014, ông Quang cho rằng đề ở mức độ dễ hơn nhiều. “Phần dễ ở đề thi năm nay dễ hơn với đề thi năm trước, riêng phần khó, đề năm trước chiếm đến 30% tổng số điểm bài thi, còn năm nay chỉ chiếm tầm khoảng 16- 20%. Vì thế, khả năng sẽ nhiều học sinh đạt điểm cao môn này”, ông Quang nhận định.

MỚI - NÓNG